Thật vậy, cảm xúc từ trái tim trước thiên nhiên, sự vật, con người, sự kiện xã hội là phổ biến của “giống hữu tình”. Bồi hồi trước một ráng chiều, cô đơn trong một ngày đông, hồ hởi trước ngày thắng lợi: những tình cảm lớn, những xúc động mạnh của chúng ta mỗi khi dâng trào đều để lại trong hồn ta một cảm giác thi vị, ngân nga: đó chính là hồn thơ. Với phần lớn mọi người hồn thơ đó xuất hiện rồi đi qua, và nếu sau này có nhớ lại thì cũng chỉ là ngững hoài niệm mơ hồ. Nhưng với những người biết làm thơ thì cái hồn thơ tự nhiên ấy được cụ thể hóa bằng ngôn từ, vần điệu để cho ta những bài thơ. Có những bài thơ người viết chỉ để cho riêng mình, có khi cho một người nhưng đa phần là để cho mọi người. Dù chỉ để cho một người hay mọi người, bản thân mỗi bài thơ phải là người thư ký trung thành ghi chép nhịp đập thiết tha của những trái tim đang vui hay buồn, hạnh phúc hay đau đớn, tuyệt vọng hay hy vọng, đang yêu hay đang chết, đang mộng hay đang tỉnh, đang hồ hởi với cuộc đời hay muốn xa lánh nhân gian. Qua người thư ký trung thành - thơ ca - người đọc và nhà thơ tìm thấy xúc cảm của nhau, tìm thấy nhịp đập trái tim của nhau, tìm thấy tiếng nói đồng điệu, đồng tình, đồng cảm, tìm thấy tri âm tri kỷ mà làm đẹp thêm, giàu thêm cuộc sống tình cảm của chính mình. Thơ khởi phát từ lòng người và tìm đến lòng người. Có những bài thơ vụng không ghi lại hết cảm xúc, nhưng vẫn là chân thật như những bài thơ tình của lứa tuổi thích ô-mai. Nhưng cũng có những bài thơ đọc lên thấy hay hay nhưng lại nhạt vì ta không tìm thấy cảm xúc chân thật của người viết. Đó là sản phẩm của các thợ thơ, đem cái tài chế biến câu chữ để mê hoặc lòng người. Một bài thơ do vậy không chỉ là người thư ký mà phải là người thư ký trung thành, hơn thế nữa, không chỉ là người thư ký trung thành mà còn là người thư ký đủ tài năng và bản lĩnh. Có như thế mới đủ sức tái hiện những sắc thái tình cảm tinh tế, muôn màu, mới gây được xúc cảm bồi hội nơi người đọc, người nghe. Một bài thơ như thế sẽ có sức lan tỏa từ thế hệ này sang thế hệ khác từ biên giới này tới biên giới kia. Nghĩa là một bài thơ vượt qua cả không gian lẫn thời gian để liên kết những trái tim của các thời đại và các màu da, như Nguyễn Du đã từng thắc mắc: “Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ hà nhân khấp Tố như.”
Những người thư ký trung thành và tài năng ấy có thể tìm thấy trong thơ ca Việt
Thuở ấy cùng em học một trường
Bạn bè quen gọi cặp uyên ương.
Song song hai đưa, đi sung sướng
Rảo bước yên vui một nẻo đường.
…
Hôm nay mất hút bóng hình em,
Có lẽ em đang đứng trước rèm
Thêu nổi hai con chim nhạn trắng,
Con xa vỗ cánh, con nằm yên.
Hai khổ đầu và cuối của bài ghi lại một mối tình tan vỡ của tác giả thời chiến tranh. Những người yêu nhau mà không lấy được nhau vì hoàn cảnh, vì lý tưởng… đều có thể tìm thấy tiếng lòng mình thổn thức trong từng hình ảnh bài thơ đã khắc họa. Những người may mắn trong tình yêu cũng thấy được tiếng lòng của tác giả, đọc được cái thông điệp tác giả muốn gởi gắm để yêu quý hơn cái cuộc sống đám ấm mình đang được hưởng, để biết thông cảm hơn và chia xẻ hơn tức là để làm đẹp hơn cuộc đời này.
Bài thơ sau của của nhà thơ nữ Silva Kaputikyan đã được nhiều thế hệ thanh niên Việt
Em bảo: "Anh đi đi"
Sao anh không đứng lại?
Em bảo: "Anh đừng đợi"
Sao anh vội quay về?
Lời nói thoảng gió bay
Đôi mắt huyền đẫm lệ
Mà sao anh ngốc thế
Không nhìn vào mắt em
Sở dĩ nó được nhiều người yêu mến, học thuộc vì nó phản ánh trung thành cái vụng dại rất dễ thương của những người mới yêu nhau lần đầu. Ai cũng biết con gái, nói có là không, nói mưa là nắng. Nhưng con trai muôn đời vẫn ngốc không hiểu ra cái chân lý đơn giản ấy, để bài thơ muôn đời vẫn đúng, và để tình đầu dang dở mới là yêu.
Để kết luận, xin mượn lời nhà thơ Thanh Thảo nói về thi ca: “Thơ ca đến với con người dưới những gương mặt những dáng nét khác nhau. Nhưng nếu trái tim người muôn năm vẫn vậy thì trái tim thơ muôn đời vẫn thế.” Thơ đúng là người thư ký trung thành của những trái tim đang rộn ràng, thổn thức, mãi mê đập từng nhịp đập không nguôi của điệp khúc tình yêu.
Viết quá hay luôn ạ!!!
ReplyDelete