Dịch giả Thái Bá Tân vừa gởi tặng bản dịch thơ cổ sau. Xin giới thiệu cùng các bạn. Bản tiếng Nga và tiếng Anh sẽ bổ sung sau. Xin mời thưởng thức.
Nguyen quang
THƠ CỔ BA TƯ
*
THÁI BÁ TÂN
dịch từ tiếng Nga
Lần đầu tiên tôi làm quen với nền thơ cổ Ba Tư khi còn là sinh viên ở Matxcơva, qua các bản dịch tiếng Nga, tất nhiên, vì mãi sau này mới có các tài liệu bằng tiếng Anh. Đọc và mê luôn vì sự phong phú và triết lý độc đáo của nó. Bắt đầu dịch thì mãi sau này, khi đã về nước và đang dạy văn học Anh - Mỹ ở trường đại học Sư phạm Ngoại Ngữ Hà Nội. Tức là cũng ngót nghét ba chục năm nay.
Tác phẩm đầu tiên tôi dịch là thơ rubai bốn câu của Omar Khayyam và Baba Takhi, một số được in thành sách (NXB Văn Học 1986) hay trên báo, tạp chí mà theo tôi biết, được nhiều người ưa thích. Tác giả tiếp theo là Saađi với các trích đoạn hai cuốn Vường Hồng và Vườn Quả nổi tiếng của ông.
Tập thơ này là tập hợp các bản dịch rải rác của tôi trong mấy chục năm qua, nói chung còn mang tính tùy tiện và ngẫu hứng. Trừ Omar Khayyam coi như dịch gần trọn bộ, các tác giả khác mà tôi muốn và sẽ dịch thêm để in thành từng cuốn riêng biệt gồm Truyện các vua (Shah-nameh) của Fêđôuxi, Thơ tình Hafiz, Truyện ngụ ngôn Rumi và Vườn Hồng, Vườn Quả của Saađi. Những tác phẩm tuyệt vời mà đơn giản không thể không dịch.
Là người dịch thơ chuyên nghiệp, tôi có nhiều dự định cho mình. Hiện đã cơ bản hoàn thành xong những mảng lớn như Thơ Nga, gồm tiểu thuyết thơ Epghênhi Ônhêghin của Puskin, Thơ Anh cùng tiểu thuyết thơ Đôn Juan của Bairơn, đồ sộ, Thơ chữ Hán Việt Nam và Trung Quốc (3.000 bài), Thơ cổ Nhật Bản (hơn 3.500, bài chưa in), Thơ dân gian và Thơ thiếu nhi thế giới, vân vân. Trong kế hoạch của tôi còn có cả Faust của Goethe và Thần Khúc của Dante. Tuy nhiên, đã bước sang tuổi 64, có thể lực bất tòng tâm, nhưng dù sao tôi cũng cố hoàn thành nốt mảng thơ cổ Ba Tư này. Đơn giản vì tôi yêu nó. Tôi cũng yêu con người và đất nước Iran mà tháng Mười năm 2010 tôi được Bộ Ngoại giao Iran mời sang thăm.
Vậy hẹn gặp lại bạn đọc ở những tập tiếp.
Thái Bá Tân
Preface by
H.E. Seyed Javad Ghavam Shahidi ,
Ambassador of Islamic Republic of Iran to Vietnam
Persian literature spans two-and-a-half millennia, though much of the pre-Islamic material has been lost. Its sources have been within historical Persia including present-day Iran as well as regions of Central Asia where the Persian language has historically been the national language.
One of the noblest forms of literature is poetry. Over the centuries Persian and non-Persian poets have written their poems in the Persian language, Farsi, and it's variations. Even though the Farsi language has changed over time the ancient poems are still readable.
Iranians highly value their poets who kept their culture and language alive even during numerous invasions. Persian poetry is as ancient as Avesta (the holy book of Zoroastrians) where first form of poetry is documented.
The Arab conquest influenced the Persian vocabulary causing an even smoother poetic verse. Poetry, nursed for 200 years by the care of three dynasties (Tahirid, Saffavid, Samanid). Therefore, it was during ninth century when the new form of Persian poetry began which is found today.
Persian language stands apart among all Eastern languages in poetry. Persian language is soft and expressive. There are many options for Persian poets in use of words because there are many meanings to one word and many ways to express one's thought. That is why Persian poetry and language are rich in expression.
One of the early forms of poetry was qasida in royal courts. Qasida are poems of more than 100 couplets that do not rhyme. Anvari was one of the poets who used qasida.
Ghazal from about 12th century is another form of lyric. Ghazal poems were a much shorter form, 10 couplets that do not rhyme and mainly used to express love, both human and mystic. Hafez and Saadi mastered this form of poetry.
Rubai and dobaty are both four lines poems which are distinguished from each other by their rhythm. They may express mystical, romantic or philosophical themes. Omar Khayam is one of the pioneers in writing Rubai and his books are translated into many languages.
Masnavi with its unique rhyming couplets was utilized for epic poems. Avesta included epic poetry. Ferdosi wrote the Shahnameh or 'Book of Kings,' which is a finished form of epic poetry with 50,000 couplets. The narrative form of masnavi was used by Nizami. Masnavi was also used by the mystic poets Farid od Din Attar who wrote The Conference of The Birds and Jalaluddin Rumi who wrote the Masnavi Manawi which is translated to 34 languages.
Also Persian literature is well known in the most parts of world, and people in all around the world are enjoying it, even Persian language has have a great influence in East Asia like India, China and South East Asian Countries like Malaysia and Indonesia, for example over 350 pure Persian words are used in Malay Language, but people of Vietnam are less familiar with Persian literature.
I am pleased that Writer Thai Ba Tan has taken the time to research and translate Iranian Poetry with all its aesthetic and philosophical aspects that one can feel the rose gardens of Shiraz and the mystical voice of the sages in order that our future generations and foreign friends can have a better understanding of Iranian poetry which has come down to us from centuries and still has neither lost nor diminished in stature and aesthetics. Mr.Thai Ba Tan has done great works up to now, which have been published in media and I do hope this magnificent book will be a great help for those are interested in Persian literature and poetry. These translations will pass the test of the time and become the link to bind our two nations of Iran and Vietnam together.
I wish him the best of luck on his endeavour and avail of this opportunity to assure you of my highest consideration and support.
______________
LỜI NÓI ĐẦU CỦA NGÀI SEYED JAVSAD GHAVAM SHAHIDI,
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng Hòa Hồi Giáo Iran tại Việt Nam
Văn học Ba Tư trải dài trên hai nghìn năm trăm năm, mặc dù phần lớn văn bản thời kỳ trước Đạo Hồi không còn lưu giữ được. Cội nguồn của nó ăn sâu vào lịch sử Ba Tư, bao gồm nước Iran ngày nay và nhiều khu vực Trung Á khác, nơi tiếng Ba Tư được sử dụng làm ngôn ngữ dân tộc.
Một trong những hình thức cao quí nhất của văn học là thơ. Suốt nhiều thế kỷ các nhà thơ Ba Tư và không phải Ba Tư viết thơ bằng tiếng Ba Tư, tức là tiếng Farsi và các biến thể của nó. Mặc dù cùng với thời gian, tiếng Farsi đã thay đổi nhiều, nhưng các bài thơ cổ đến nay độc giả hiện đại vẫn có thể đọc và hiểu.
Nhân dân Iran luôn quí trọng các nhà thơ của mình, người đã giữ nền văn hóa và ngôn ngữ dân tộc không bị mai một, thậm chí cả khi trải qua vô số các cuộc xâm lược ngoại bang. Thơ Ba Tư cổ xưa như chính Avesta (cuốn sách thiêng liêng của nền văn hóa Zoroaster), nơi hình thức thơ cổ xưa nhất được lưu giữ..
Cuộc chinh phục của người Ả Rập ảnh hưởng đến vốn từ tiếng Ba Tư, và làm cho ngôn ngữ thơ càng trở nên uyển chuyển hơn. Nền thơ cổ Ba Tư được nâng niu nuôi dưỡng trong suốt ba triều đại là Tahirid, Saffavid và Samanid. Vào thế kỷ thứ 9 sau Công Nguyên, một hình thức thơ mới xuất hiện và định hình như chúng ta thấy ngày nay.
Tiếng Ba Tư có nhiều nét khác biệt so với các ngôn ngữ Châu Âu, đặc biệt trong thơ. Tiếng Ba Tư mềm mại và diễn cảm. Các nhà thơ sáng tác bằng ngôn ngữ này có nhiều lựa chọn khi sử dụng từ vì thường mỗi từ có nhiều nghĩa và họ có nhiều cách diễn đạt ý tưởng của mình. Đó là lý do vì sao thơ và ngôn ngữ Ba Tư phong phú trong cách thể hiện.
Một trong những hình thức thơ lâu đời nhất là quasida, sử dụng trong cung đình. Quasida là những bài thơ có hơn 100 cặp, mỗi cặp hai câu. Anvari là một trong số các nhà thơ sử dụng thành công quasida.
Ghazal là một thể loại thơ trữ tình khác, xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 12. Các bài ghazal ngắn hơn nhiều, thường chỉ 10 cặp đôi và chủ yếu được viết để nói về tình yêu, cả tình yêu trai gái lẫn tình yêu thần bí. Hafiz và Saađi là các bậc thầy loại thơ này.
Rubai và dobaty đều là thể thơ bốn câu, chỉ khác nhau về sơ đồ vần điệu, với các chủ đề có thể mang tính kỳ bí, lãng mạn hay triết lý. Omar Khayyam là một trong những nhà thơ tiên phong của loại thơ này. Thơ của ông được dịch sang nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Với các cặp đôi có vần độc đáo của mình, masnavi được dùng để viết các tập thơ lớn mang tính sử thi. Kinh Avesta cũng bao gồm nhiều đoạn thơ sử thi. Shahnameh, Sách các vua, của Ferdowsi là tác phẩm thơ sử thi hoàn hảo với 50.000 cặp hai câu. Nizami dùng thể thơ masnavi tự sự trong các tác phẩm của mình. Masnavi cũng được sử dụng trong tác phẩm của các nhà thơ thần bí như Farid od Din Attar, tác giả cuốn Hội nghị các loài chim. Jalaluddin Rumi viết cuốn Masnavi nổi tiếng được dịch sang 34 thứ tiếng trên thế giới.
Văn học Ba Tư được bạn đọc hầu như khắp thế giới biết đến và yêu mến. Ngôn ngữ Ba Tư cũng có ảnh hưởng lớn ở Ấn Độ, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á như Malaysia và Inđônêsia. Thí dụ trong tiếng Mã Lai có tới 350 từ thuần túy có gốc từ tiếng Farsi. Tuy nhiên bạn đọc Việt Nam cho đến nay chưa biết nhiều đến văn học Ba Tư.
Tôi rất vui mừng được biết nhà văn Thái Bá Tân đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và dịch thơ Ba Tư ra tiếng Việt với tất cả các khía cạnh thẩm mĩ và triết lý của nó. Người đọc có thể cảm thấy hương thơm từ vườn hồng Shiraz và nghe rõ tiếng nói bí ẩn của các nhà thông thái xa xưa. Nhờ đó các thế hệ mai sau của chúng ta và bạn bè quốc tế có sự hiểu biết tốt hơn về nền thơ Ba Tư mà chúng ta được thừa hưởng qua ấy trăm năm và vẫn giữ nguyên vẹn cả về qui mô lẫn giá trị thẩm mỹ. Ông Thái Bá Tân đã hoàn thành một khối lượng công viêc lớn, được in rải rác trên báo và tạp chí, và tôi hy vọng cuốn sách này sẽ rất bổ ích đối với những người quan tâm đến văn học cổ Ba Tư nói chung và thơ cổ Ba Tư nói riêng. Tôi tin các bản dịch của ông sẽ vượt qua được sự thử thách của thời gian và trở thành cầu nối giữa hai đất nước và nhân dân Iran và Việt Nam.
Nhân dịp này tôi xin bày tỏ sự ngưỡng mộ và ủng hộ của tôi đối với ông và chúc ông hạnh phúc, thành công trong sự nghiệp của mình.
_____________
RUĐAKI
Được xem là ông tổ của nền thơ ca Ba Tư, Ruđaki (Abu Abdulla Jafar Muhamad Rudaki) sinh năm 860 ở một làng miền núi có tên là Rudak, sau được ông chọn làm bút danh. Thời trẻ ông nổi tiếng hát hay và chơi các nhạc cụ dân tộc rất giỏi. Năm ba mươi tuổi ông đã được xem là nhà thơ lớn nhất thời đó và được mời tới Bukhara (nay thuộc Uzbêkixtan) sống trong cung các triều vua Samanid rồi trở thành thà thơ cung đình ở đấy một thời gian dài. Tuy nhiên sau này, do bị nghi liên quan đến một cuộc nổi dậy của dân chúng, ông thất sủng và bị đuổi đi. Ông trở về làng cũ và chết ở đó năm 941. Theo một số tài liệu, Ruđaki sáng tác ước tính hơn hai triệu câu thơ, nhưng giữ lại được đến nay không nhiều, tản mạn và không trọn vẹn tác phẩm.
THƠ HAI CÂU
* * *
Ta cô đơn giữa trăm vạn con nguời.
Ta cô đơn thiếu trăm vạn con người.
* * *
Anh được làm từ bụi đất như tôi,
Và khi chết cũng thành đất, thế thôi.
* * *
Tôi làm bạn với người bị đám đông ghét bỏ,
Không cam chịu cuộc đời luôn nhỏ nhoi, gò bó.
* * *
Sao anh nghe những tiếng nhạc bùi tai,
Không chịu nghe, tiếng rên khóc, thở dài?
* * *
Người khôn ưa việc tốt, hòa bình.
Thằng ngốc thích chém giết, chiến tranh.
* * *
Kẻ thịt ngon, nho tươi ăn chẳng hết,
Người nhịn đói suốt ngày, thêm đói rét.
* * *
Em không yêu, nhưng sợ tình yêu mất.
Em giả dối, lại muốn tìm sự thật.
* * *
Một kẻ thù đã nhiều tai họa.
Trăm người bạn vẫn còn ít quá.
* * *
Nhờ tình yêu, tôi hăng say lao động.
Thiếu tình yêu, tôi không còn muốn sống.
* * *
Người no nghĩ xin ăn là nhục nhã.
Người không bệnh, không đau không đáng lạ.
* * *
Anh sẽ giống như cừu sa bãi lầy
Khi thượng đế xét tội anh sau này.
* * *
Ngày mùa xuân đẹp thật, cỏ và hoa.
Nhưng không đẹp bằng đêm chỉ hai ta.
* * *
Bản thân tôi cũng rất thích được khen,
Nhưng lời khen phải chân thành, tất nhiên.
* * *
Vâng, anh buồn, nhưng không buồn vẩn vơ.
Buồn vì em, vì em anh ngẩn ngơ.
* * *
Cũng chẳng sao quần áo rách, khi anh
Tâm hồn không vấy bẩn, vẫn nguyên lành.
* * *
Nụ hôn người yêu như nước hồ mặn chát -
Càng uống nhiều càng thấy khát.
* * *
Cô gái đẹp làm anh vui, hết mệt.
Thế mà anh tìm lão già hiền triết.
* * *
Tôi nhuộm tóc không vì tôi muốn trẻ.
Tôi nhuộm tóc để nhớ về tuổi trẻ.
* * *
Kể cũng buồn: chim ác sống trăm năm,
Mà con én chưa đầy năm đã chết.
THƠ BỐN CÂU
* * *
Thường người ta tìm tôi khi gặp nạn.
Đến tâm sự khi trong lòng buồn chán.
Thế mà tôi khát nước, chẳng người nào
Cho tôi uống, lại còn lên giọng phán.
* * *
Đời đã khổ, lại còn rất ngắn.
Sao thần chết đang tâm tàn nhẫn
Ngắt bông hoa xinh đẹp như em
Mà không chút băn khuăn, hối hận?
* * *
Hãy cảm ơn thượng đế, gượng mà vui.
Đời thế nào mặc kệ, gượng mà vui.
Cũng chẳng sao khi anh mãi không giàu.
Thì cuộc đời vẫn thế, gượng mà vui.
* * *
Vua chúng ta thật vĩ đại, phi thường,
Bắn đạn bạc, tên vàng ngoài chiến trường.
Lính vua chết, tiếc thay, không vải liệm,
Cũng không tiền chữa trị người bị thương.
* * *
Thật kỳ diệu cuộc đời này.
Không ngừng nghỉ, tự mình quay.
Yêu - biến anh thành hoàng đế.
Ghét - bắt làm thằng ăn mày.
* * *
Trời thương tình, ban cho tôi bốn cái:
Sức khỏe, tên, trí khôn, lòng nhân ái.
Trong chúng ta, ai có bốn cái này,
Sẽ hạnh phúc, không buồn đau, sợ hãi.
* * *
Sao nhìn ai anh cũng toàn thấy ác?
Anh hờ hững với nỗi đau người khác.
Xua cái tham, cái hằn học khỏi tim,
Anh sẽ thấy đời cũng không tệ bạc.
* * *
Ta uống nhiều vì lòng ta ngất ngây.
Nhất là khi có bạn gái thế này.
Mặc bọn ngốc cứ chê ta là ngốc.
Không vì ngốc ta ngã, mà vì say.
* * *
Người ta ghét ăn mày như ghét quỉ,
Chưa nghe xin, đã ném đồng xu gỉ.
Anh xấu hổ, không nghe hết lời xin?
Tôi thì sao, người xin anh bố thí?
* * *
Hãy nhìn đời bằng con mắt thông minh.
Đừng cố chấp, nhìn đời qua định kiến.
Đời là biển, muốn vượt qua, xin anh
Hãy tự đóng con tàu bằng bằng việc thiện.
* * *
Biết thắng cái thấp hèn -
anh là người hạnh phúc.
Không cười diễu người điên -
anh là người hạnh phúc.
Và bất hạnh là ai dẫm lên ngực người đời.
Dìu người ngã đứng lên -
anh là người hạnh phúc.
* * *
Em hãy đến, đàn anh nghe đêm nay.
Nhớ mang rượu để hai ta cùng say.
Thứ rượu đỏ long lanh như ngọc bích,
Như vầng dương luôn rực đỏ mỗi ngày.
* * *
Tóc em đen, uốn xuăn đầy cám dỗ.
Đẹp hơn cả trăm bông hồng màu đỏ.
Trong mỗi lọn là một nghìn yêu thương.
Trong mỗi búi là một nghìn đau khổ.
THƠ TRỮ TÌNH
* * *
Đừng ghen tị với niềm vui người khác
Kẻo rồi anh thành nạn nhân kẻ ác.
Lưỡi của mình hãy giấu kỹ, nếu không
Anh tự mình chuốc lấy vạ bất công.
* * *
Kiếm trên tay không phải để giết người.
Mọi cái ác phải trả giá trước Trời.
Không vô cớ gõ cữa người, bởi lẽ
Anh có thể bị đánh đau vì thế.
* * *
Đừng vội giận, đừng trách bạn làm gì.
Đời thay đổi, mọi cái sẽ qua đi.
Hôm nay thế, nhưng mai không còn thế.
Giận, trách bạn vốn là điều quá dễ.
Cái khó hơn - không vì giận lần này,
Mà anh quên bao điều tốt xưa nay.
Hãy tha thứ nếu bạn ánh có lỗi.
Anh cũng chẳng hoàn hảo đâu. Xin hỏi:
Hoa có gai, gai châm anh, đúng không,
Nhưng vì thế anh sống thiếu hoa hồng?
Hay anh định hàng ngày tìm bạn mới?
Hãy khoan dung, hãy bình tâm chờ đợi.
* * *
Đời bình thường như vẫn thế xưa nay.
Sao vô cớ, anh buồn bã, chau mày?
Hãy xua đi những ý buồn bất tận.
Đời anh đẹp, cứ tin vào số phận.
Mà số phận có cách riêng của mình.
Hãy tin nó, đừng tin nhà chiêm tinh.
Đời thực ra không xấu như ta nghĩ.
Hãy hưởng thụ, đời mình đừng bỏ phí.
* * *
Này anh bạn, đừng buồn lâu, tôi biết
Anh đang khóc, nhớ thương người đã chết.
Đời phải thế, việc gì qua đã qua,
Có cưỡng lại cũng vô ích thôi mà.
Anh mong muốn cuộc đời luôn bình lặng,
Nhưng cuộc đời cứ sục sôi, căng thẳng.
Xin đừng khóc, vì đời chẳng mủi lòng.
Đừng oán giận mà uổng sức, phí công.
Mặc anh buồn, anh cầu xin, quằn quại,
Gì đã mất, không thể nào lấy lại.
Không có ai sống mãi mãi trên đời.
Không phải thần, chúng ta chỉ là người.
Rượu là thuốc chữa bệnh buồn tốt nhất,
Dù không giúp mang lại gì đã mất.
Thôi, một khi không thắng được buồn đau,
Thì lại đây, ta uống rượu cùng nhau.
* * *
Tôi không đổi cuộc sống tinh thần
Lấy khoái lạc hay mưu cầu cái ăn.
Tôi viết thơ vì số tôi bắt thế -
Về cái đẹp và những điều tử tế.
Tôi quen biết nhiều vua quan, tiếc thay,
Không phải ai trong số những người này
Cũng tử tế, hay ho như họ nói.
Có một việc tôi không sao làm nổi
Là cố nêu gương tốt, sống chân thành
Cho họ theo, ấy mà rồi không thành.
* * *
Dù anh sống lâu đến đâu, cuối cùng,
Cũng phải đến một kết cục rất chung
Là cái chết - xưa hay nay vẫn thế,
Với tất cả mọi người, không ngoại lệ.
Vậy sống đi, trong cung điện, lâu đài,
Hay túp lều, phải ăn cháo, ăn khoai;
Vì với vua anh minh, hùng mạnh nhất,
Hay thằng dân cùng đinh không tấc đất,
Thì cuộc đời cũng chỉ một giấc mơ.
Anh nấn ná, định ngủ đến bao giờ?
Mà đã chết, mọi người đều thế cả,
Không phân biệt nghèo hèn hay danh giá.
Vậy sống đi, quí nhất ở đời này
Là tình yêu, thảnh thơi và men say!
* * *
Rượu giúp ta thấy bản chất con người -
Tốt, chân thật hay gian trá, hại đời.
Thích cứ uống, đừng băn khuăn tìm cớ,
Nhưng ngon nhất, uống khi hoa nhài nở.
Rượu giúp anh thuần được ngựa bất kham,
Làm việc khó từng mơ ước muốn làm.
Cũng nhờ rượu, anh keo thành hào phóng.
Tim khô héo thành dạt dào, thoáng rộng.
* * *
Đời là một giấc mơ buồn, tuy thế,
Đời luôn thức, luôn gây điều tồi tệ.
Người hiền lành trời bắt khổ suốt đời,
Kẻ độc ác lại được sướng hơn người.
Đời là thế, đừng cả tin, cẩn thận,
Đẹp bề ngoài nhưng lòng lang, dạ rắn.
* * *
Hãy vui vẻ với cô gái anh yêu.
Đời ngắn lắm, chỉ ba ngày, không nhiều.
Mai thế nào - việc của trời, trời biết.
Chuyện hôm qua - đừng quan tâm thêm mệt.
Nào vui lên, cứ nhìn chúng tôi đây.
Bạn gái tôi và tôi vui suốt ngày.
Xin nhắc lại: Đời - giấc mơ buồn tẻ.
Hãy uống rượu, còn thì thôi, mặc kệ!
* * *
Biết bao bậc đế vương danh giá nhất
Đều lần lượt ra đi, nằm dưới đất.
Họ, chủ nhân bao cung điện, lâu đài,
Bao châu báu, bao bạc vàng, đất đai
Nhiều lương thực, nhiều thức ăn quí hiếm,
Mà họ chết, chỉ mang theo vải liệm.
Vậy ý nghĩa của cuộc sống là gì?
Là những cái ta ăn, không mang đi.
* * *
Hãy rót rượu cho ta, nào cậu bé,
Thứ rượu trong, long lanh như giọt lệ.
Chất men say làm người buồn thành vui,
Làm trời nắng cả khi mưa sụt sùi,
Làm người chết cũng đội mồ đứng dậy
Và người sống thấy cuộc đời lộng lẫy.
Nào rót rượu cho ta, rót nhanh lên,
Để ta vùi nỗi buồn trong chất men.
* * *
Anh than khóc người thân anh ra đi?
Vâng cứ khóc, nhưng thử hỏi ích gì?
Cái phải đến cuối cùng rồi sẽ đến.
Ai cũng sống, cũng chết thôi, hết chuyện.
Anh muốn đời thật tốt đẹp, bình yên,
Thế mà đời luôn biến động, đảo điên.
Đời chẳng thèm nghe anh đâu, quả thế,
Dẫu anh kêu hay khóc than cũng kệ.
Anh mong muốn, anh cố gắng đến đâu,
Cũng chẳng tìm được cái mất từ lâu.
Đừng bắt anh cứ buồn rầu, đau khổ
Vì mọi cớ trong đời thường lớn nhỏ.
Chắc anh hỏi: Vậy theo ông, làm gì?
Làm gì ư? Hãy rót rượu, uống đi.
Là người bạn, xưa nay ly rượu nhỏ
Sẽ giúp ta thấy đời như vốn có.
* * *
Hãy vui cùng cô gái đẹp, ngây thơ.
Đời phù du, rốt cục chỉ giấc mơ.
Giờ đang sống, đời cho gì cứ nhận.
Chuyện quá khứ thôi đừng buồn, đừng giận.
Cứ xem tôi cùng cô bạn của tôi.
Hai người sống kể ra không phải tồi.
Cả người nhận, cả người cho hạnh phúc.
Ai dửng dưng mới nếm mùi địa ngục.
Tôi đã nói: đừi này chẳng là gì.
Vậy đừng hỏi, cứ uống, cứ vui đi!
* * *
Biết suy ngẫm, đời làm ta sáng mắt.
Chính cuộc đời cho lời khuyên tốt nhất:
“Thấy người vui và hạnh phúc, đừng ghen.
Đừng biến anh thành một kẻ thấp hèn.
Nếu tức giận, bề ngoài đừng bộc lộ,
Tránh tai họa sẽ xẩy ra sau đó.”
* * *
Ở đời này rất phù du, bèo bọt,
Đừng vội vui, đừng vội cho là tốt.
Cả khi anh là vua chúa uy quyền,
Thì cuối cùng cũng nằm dưới đất đen.
Mà dưới ấy, trong mồ, anh đơn độc,
Không bạn bè, không cả lời tâng bốc.
Bạn của anh, nếu có, chỉ là giun.
Bản thân anh đang biến thành đất bùn.
Ngày ấy đến, tức là ngày anh chết,
Ngay lập tức mọi người quên anh hết.
IBN SINA
Ở phương Tây người ta thường gọi ông là Avicenna, ông sinh năm 980, mất năm 1037, là nhà y học, triết học, thần học đạo Hồi, nhà khoa học và nhà thơ nổi tiếng của Ba Tư cổ đại. Ibn Sina sinh ở gần Bukhara thuộc Uzbekistan ngày nay. Ông viết gần 450 chuyên luận sâu sắc về các đề tài khác nhau và được coi là ông tổ của ngành y hiện đại. Số lượng tác phẩm thơ của ông lưu lại được không nhiều.
THƠ BỐN CÂU
* * *
Ở với lừa phải nhớ kêu be be.
Con lừa nào cũng tưởng mình rất ghê.
Nhỡ con nào không có tai, chắc chắn
Sẽ bị coi là phản đạo, đáng chê.
* * *
Nếu có người nói cho tôi được hay
Rằng vì sao tôi sinh ở đời này,
Thì chắc chắn tôi thấy mình hạnh phúc,
Chứ không buồn, trăn trở giống xưa nay.
* * *
Tôi đã đi gần như toàn thế giới,
Nhưng chưa đến cái đích mình mong đợi.
Cái đầu tôi gần như biết mọi điều
Nhưng chưa đạt cái điều tôi vươn tới.
* * *
Tôi học hỏi cần cù, không quản mệt.
Bao nhiêu chuyện nhỏ to tôi biết hết,
Chuyện trên trời dưới biển, chuyện xưa nay.
Nhưng tôi chẳng biết gì về cái chết.
* * *
Việc đã qua, nghĩ làm gì thêm mệt.
Khi sức lực và thời gian chưa hết,
Hãy cố làm việc gì đó hôm nay,
Vì có thể ngày mai anh đã chết.
* * *
Tình yêu không mua bán.
Không đòi hỏi chức quyền.
Không biết quí hạnh phúc,
Tai họa sẽ đến liền.
* * *
Với người nghiện, rượu uống nhiều có hại.
Ta uống chút cho vui, sao phải ngại?
Là thuốc tiên, là đáng quí khi ta
Uống với bạn, có lý do, vừa phải.
* * *
Theo tôi nghĩ, ba hạng người sau đây
Được uống rượu: Đó là gã ăn mày,
Nhà thông thái và ông vua. Vì vậy
Anh đừng uống nếu không thuộc nhóm này.
* * *
Bạn của tôi chơi với kẻ thù tôi.
Bạn mà thế là người bạn rất tồi.
Vậy cẩn thận với miếng đường, khi nó
Giấu chất độc sâu bên trong, dù nhỏ.
* * *
Bình rượu sành ở đâu? - Ê, chủ quán!
Hãy mang nó ra mau, - Ê, chủ quán!
Chiếc bình rượu sứt vòi đầy rượu đỏ, chúng tôi
Muốn uống xua buồn đau! - Ê, chủ quán!
* * *
Tôi đọc sách, biết mọi điều cặn kẽ.
Cả vạn vật trong đời này cũng thế.
Nhưng tiếc thay tôi chẳng biết tí gì
Về chính tôi, một con người nhỏ bé.
PHIĐÔUSI
Tên đầy đủ là Abukhankasima Phiđôusi, nhà thơ Ba Tư vĩ đại, tiểu sử không rõ và thường được bao bọc bởi nhiều huyền thoại. Ông sinh ở một làng nhỏ gần thành phố Tus, khoảng từ năm 932 đến 935., trong gia đình một chủ đất người Iran không giàu có lắm. Người ta hoàn toàn không biết gì về tuổi thơ và tuổi trưởng thành của ông, nhưng có lẽ ông được học ở những trường tốt nhất thời đó. Ông am hiểu văn hoc Ả Rập và Ba Tư, đặc biệt quan tâm đến lịch sử nước nhà, điều sau này giúp ông viết tác phẩm vĩ đại nhất của mình và cũng là của cả nền thơ ca đất nước - Truyện các vua" (Shah Nameh), một bộ sử bằng thơ hàng nghìn trang về các đời vua Ba Tư trong nhiều trăm năm. Ông dành 30 năm để viết nó. Tương truyên vua Mahmud hứa sẽ hậu thưởng cho ông khi viết xong, nhưng vua đã nuốt lời, chỉ cho ông một túi bạc. Ông chia đôi số bạc này cho người hầu của vua và tên đầy tớ của mình rồi trở về quê hương và chết ở đấy trong cảnh nghèo nàn và ít người biết tới. Sau này người ta dựng tượng và lăng thờ cúng ông ở thành phố Tus.
NHỮNG LỜI KIM CƯƠNG
Ai có học sẽ thành người mạnh mẽ.
Nhờ có học mà người già thành trẻ.
Ai một làn nếm trí thức, suốt đời
Sẽ thấy mình hạnh phúc, muốn làm người.
Phải tôn trọng bình yên và sự thật.
Đã là người, đừng trở thành súc vật.
Anh được gọi là người, xin chớ quên
Đó là danh hiệu quí, dẫu sang hèn.
Trong vạn vật, con người là tuyệt mỹ,
Chính vì người có lương tâm, biết nghĩ.
Ai bất nhân, gây điều ác cho đời,
Dẫu là người nhưng vẫn chưa là người.
Ai tăm tối, trong lòng luôn vẩn đục,
Sống suốt đời không bao giờ hạnh phúc.
Ai tham lam, luôn mưu lợi làm giàu,
Tưởng mình giàu nhưng thực ra không giàu.
Hãy giúp đỡ khi có người gặp nạn,
Giúp bằng việc mình làm, không phải phán.
Đừng dẫm bẹp con kiến dưới chân mình.
Nó ham sống cũng chẳng kém gì anh.
Ham quyền lực, anh quyết tâm phấn đấu,
Rồi tay anh sẽ có ngày dính máu.
Anh bị giết, hoặc anh giết người ta -
Chẳng hay gì việc ấy, hãy tránh xa.
Bản thân tôi, quí tình người, tình bạn,
Luôn cố sống trong hòa bình, thanh thản.
THƠ TRỮ TÌNH
* * *
Con cái chính là món quà quí nhất.
Quí hơn cả những gì ta quí nhất.
Không có gì gần gũi bằng con -
Là niềm vui, là chỗ dựa tâm hồn.
Chết là cái dành chung cho tất cả -
Nghèo hay giàu, thấp hèn hay danh giá.
Ta được đưa vào đời trong một giây,
Và cũng thế ta ra khỏi đời này.
Khi thần chết đã công bằng nhường ấy,
Thì sao ta phải khóc buồn như vây?
Sớm hoặc muộn, ai cũng phải ra đi,
Nhưng quan trọng - ta để lại cái gì?
Những điều tốt, tiếng thơm anh để lại
Muôn đời sau sẽ vẫn còn mãi mãi.
* * *
Khi còn trẻ phải bắt mình lao động -
Cái làm người thông minh, yêu cuộc sống.
Không có gì chóng hủy hoại cuộc đời
Bằng nhàn rỗi và bản thân cái lười.
Hãy lao động, hãy nếm mùi nặng nhọc.
Hãy cười vui, và nếu cần, hãy khóc.
Phải có đích, phải biết mình muốn gì.
Cứ thẳng đường đã chọn, bước chân đi.
Không được tự biến mình thành củi mục
Để cơn gió rất dễ dàng bẻ gục.
Sống ở đời, ai dũng cảm, thông minh
Dẫu khó khăn, vẫn làm chủ đời mình.
Cả những lúc hiểm nguy hay bất hạnh
Cũng rút được những điều mình nên tránh.
* * *
Suy cho cùng, cái quí nhất trên đời
Là trung thực và nói lời giữ lời.
Anh thực sự chẳng có gì lo lắng
Nếu anh sáng với tấm lòng ngay thẳng.
Vì con đường giả dối trước hoặc sau
Sẽ dẫn anh tới nước mắt, buồn đau.
Khi cái tốt, điều hay anh học hỏi,
Nghĩa là anh đang tránh xa tội lỗi.
Đừng làm đau những người thân của anh.
Đừng gây ác với những người hiền lành.
Anh làm bẩn dòng suối trong, chắc chắn
Tâm hồn anh cũng trở thành vấy bẩn.
Anh đào hố chôn người, rồi có ngày
Bản thân anh sẽ rơi vào hố này.
Tôi thành thật không mong anh điều ấy.
Với người khác anh cũng nên làm vậy
* * *
Muốn thanh thản, muốn thành người thông minh,
Không được để lòng tham chi phối mình.
Ai ham muốn không nhiều, không hiếu thắng,
Người ấy ít buồn lo, căng thẳng.
Chính lòng tham gây tai họa cho người.
Ai không hiểu, coi như chưa hiểu đời.
Kiếm được tiền rất khó khăn, hẳn thế,
Nhưng tiêu tiền thông minh không phải dễ.
Cứ nhìn quanh, anh sẽ thấy: nhiều tiền
Gây tai họa chẳng kém gì nghèo hèn.
Khi sung sướng hoặc khi giàu có nhất,
Cũng đừng kiêu, khinh đời hay vênh mặt.
Anh có tiền, tất nhiên, xin cứ tiêu,
Nhưng phải dành chút ít giúp người nghèo.
* * *
Hãy cứ sống chính như anh đang có,
Đừng quá vui, đừng quá buồn, đau khổ.
Đang khỏe mạnh có thể thành ốm đau,
Buồn rồi vui, vui rồi buồn thay nhau.
Chẳng ai khổ suốt đời và ngược lại,
Cũng chẳng ai được sướng vui mãi mãi.
Buồn hoặc vui đều nhanh chóng trôi qua,
Vậy nghĩ lắm làm gì cho thêm già?
Đã có mắt, chẳng phải cần ai dạy.
Cứ nhìn quanh rồi tự mình sẽ thấy
Rằng cuộc đời rất tráo trở xưa nay,
Rằng để sống hạnh phúc ở đời này
Ta chỉ cần trời ban cho sức khỏe
Và tâm hồn luôn thảnh thơi, tươi trẻ.
* * *
Hãy thử thách người anh coi là bạn
Cả khi vui cũng như khi hoạn nạn.
Người thông minh sẽ không bạn với người
Không nhất quán giữa ý nghĩ và lời.
Dẫu là bạn, nhưng một khi ngu dốt,
Thì đừng chờ ở anh ta điều tốt.
Anh, đàn ông, cần được thử thách nhiều
Qua khó khăn, công việc hoặc tình yêu.
Lấy vợ tốt, anh là người hạnh phúc.
Vợ anh xấu, đời anh là địa ngục.
Không ngẫu nhiên có lá rách, lá lành.
Vợ thế nào còn phụ thuộc vào anh.
Con thừa hưởng ở người cha tất cả -
Từ ý chí đến tình thương, danh giá.
Con đi chệch đường tốt của cha ông
Là con hư, khiến cha mẹ đau lòng.
Anh giàu sang, nhưng cuối cùng để lại
Cái quí nhất không gì bằng con cái.
Đã là con, anh phải yêu như nhau -
Gái hay trai, con út hoặc con đầu.
Không ngẫu nhiên, con thông minh, tài giỏi
Thường xuất thân từ gia đình dòng dõi.
* * *
Hãy luôn gieo những hạt giống thông minh
Vào lời nói, vào việc làm của mình.
Sự thông minh giúp anh không phạm lỗi.
Còn trí thức giúp anh không nghèo đói.
Nếu phải học một cái gì suốt đời,
Thì phải học tri thức để làm người.
Nếu số phận ban cho anh trí thức,
Anh sẽ làm chỉ những điều vừa sức.
Phải liệu cơm gắp mắm, chớ tham lam,
Đừng luyến tiếc những gì không thể làm.
* * *
Đừng mong chờ điều lành từ kẻ xấu.
Đừng hy vọng nấu thành cơm từ trấu.
Kẻ gian thề, đừng có tin, về sau
Hắn sẽ quên và nuốt lời rất mau.
Kẻ gian dối đến nhà, mau đóng cửa
Nếu không muốn bị lừa thêm lần nữa.
Có ai nhờ sư tử đói chăn dê?
Chỉ có ngốc mới tin thằng ngốc thề.
Kẻ thù ác nhưng thông minh, có học
Nhiều khi hơn bạn hiền mà ngu ngốc.
Người nuôi hổ bị hổ vồ có ngày -
Chính con hổ từng bế ẵm trên tay.
Người thông minh không đeo gông vào cổ,
Không tự đặt đầu mình vào miệng hổ.
Mạng sống anh là quà tặng của trời.
Anh phí phạm là có lỗi với đời.
Thi với hổ không phải việc anh hùng,
Mà đơn giản anh chỉ là thằng khùng.
Gặp khó khăn đừng bao giờ dao động,
Đừng vội vàng chịu buồn đau, thất vọng.
Anh chẳng làm được gì khi vội vàng.
Biết kiên nhẫn, rắn cũng bò khỏi hang.
Thường chiến thắng là những người kiên nhẵn.
Hãy bình tĩnh, đừng vội vàng tức giận.
Nhưng khi cần phải hành động, không chờ,
Vì nếu chậm là để nhỡ thời cơ.
Đừng để nhỡ việc mình vì biếng nhác -
Rất có thể không còn cơ hội khác.
Hãy hái hoa khi hoa đẹp, nếu không
Hoa sẽ tàn, có tiếc cũng bằng không.
* * *
Khi tức giận phải kiềm mình, suy nghĩ.
Đừng để bị cuốn theo, thành mất trí.
Mất kiềm chế chỉ thêm khổ cho anh.
Biết kiềm chế làm việc gì cũng thành.
Khi tức giận, ai nói gì không phải,
Đừng nổi nóng mà ôn tồn đáp lại.
Ai gieo gì sẽ gặt nấy, tất nhiên,
Anh ở hiền chắc sẽ được gặp hiền.
Người thông minh không nghe lời xúi bẩy.
Bản thân họ cũng không làm việc ấy.
Lời anh nói, dẫu là lời kim cương,
Nhưng nói nhiều thành hạt cát bình thường.
Trước khi nói phải lựa lời thật kỹ,
Càng phải biết lắng nghe người tế nhị.
Bỏ ngoài tai những lời nói thấp hèn,
Tức là anh tăng giá trị anh lên.
* * *
Không trí khôn, đầu chỉ là quả dưa.
Xác khỏe mạnh, không hồn cũng bằng thừa.
Công thầy dạy lớn hơn công bố mẹ.
Anh em tồi thua láng giềng tử tế.
Khi chưa bắt được gà vịt ngoài sân
Thì tốt hơn chưa mời khách đến ăn.
Nghe là tốt, nhưng tốt hơn - được thấy.
Tốt hơn nữa - tự mình làm việc ấy.
Thường vẫn thế, nơi nào có mặt trời
Thì trăng sao không khoe mình hơn người.
Anh tài giỏi, anh làm gì cũng được,
Nhưng không thể bắt dòng sông chảy ngược.
Anh có thể thông minh hơn người,
Nhưng không thể thông minh hơn trời.
Với người già, đừng nên mời uống rượu -
Riêng cái già cũng đã làm họ yếu.
Ai đã già thì nên cam phận già.
Đâu phải rắn mà mong còn lột da?
Già mà luôn tỏ ra mình đang trẻ
Thì chẳng gì đáng cười hơn, quả thế.
* * *
Đời bất công, kẻ độc ác hại người
Lại được sống trong sung sướng suốt đời.
Còn người tốt, luôn suốt đời ngay thẳng
Lại phải sống trong đói nghèo, cay đắng.
Đời là thế, có người nghèo, người giàu,
Người hạnh phúc, người phải luôn buồn đau.
Nhưng tráo trở cũng là đời, cẩn thận.
Sướng hay khổ, chưa có gì chắc chắn.
ĐẠO LÀM VUA
* * *
Đã là vua, điều đầu tiên cần nhớ
Là không được làm cho dân lo sợ.
Phải cai trị bằng công lý, tình thương.
Lời dân kêu quyết không được xem thường.
Vua hay quan, cai trị dân, nhất thiết
Phải là người luôn công tâm, liêm khiết.
Khi xét xử phải sáng suốt, thông minh.
Phải yêu dân như yêu chính con mình.
Với dân thường, phải chăm lo giúp đỡ.
Không bao giờ được giết người vô cớ.
Đừng vội vàng khi quyết định, xưa nay
Hơn ai hết, vua phải hiểu điều này.
Vua không biết kiềm mình, hay bồng bột
Thì không thể gọi là ông vua tốt.
Vua ý nghĩ mà tối đen trong đầu
Thì thế nào cũng chuốc họa về sau.
* * *
Cái mùi vị của chiến tranh rất đắng,
Thậm chí cả khi quân vua chiến thắng.
Khi quân giặc đến cầu hòa, làm thân
Thì hãy nên chấp nhận, đừng xuất quân.
Trước khi đánh hãy cố thử hòa bình,
Xem cách nào tránh được họa chiến tranh.
Nhưng khi giặc dám đem quân xâm lược
Thì thà chết không làm dân mất nước.
Khi đánh nhau phải chú ý coi chừng
Kẻo kẻ thù đánh tập hậu sau lưng.
Tướng cầm quân mà thông minh, tài giỏi
Thì không có kẻ thù nào đánh nổi.
Lính phải cần dũng cảm, tất nhiên,
Vì với lính, không gì nhục bằng hèn.
Người xưa nói: Phải đánh đâu thắng đấy,
Nhưng đừng đuổi khi giặc thua bỏ chạy.
Điều quan trọng là khi vừa thắng xong,
Với quân địch, phải hết sức đề phòng.
Vì quân địch, dẫu thua và yếu thật,
Nhưng có thể gây điều tai hại nhất.
Với kẻ thù, chỉ giết lúc giao tranh,
Khi kẻ thù có vũ khí như anh.
Với tù binh, hàng binh, đừng giết họ -
Anh có thể sẽ cùng chung cảnh ngộ.
Đạo làm vua - phải cho lính đủ ăn,
Vì nếu không, lính sẽ cướp của dân.
Không được giết người dân thường vô tội -
Dân của địch, nhưng họ không có lỗi.
Anh cướp phá hay đốt nhà dân lành,
Nghĩa là anh đang đốt phá nhà anh.
Vua tử tế là vua không phá hoại
Những di tích do người xưa để lại.
TRUYỆN CÁC VUA (Shah-Nameh)
(Trích dịch)
ZOHAK GIẾT CHA
Ở vùng đất có tên "Chàng Kỵ Sĩ"
Xưa có một ông vua đầy nghĩa khí.
Ông trị dân theo lẽ phải, ý trời,
Vừa chuyên lo việc nước, lại thương người.
Ông vua ấy tên gọi là Mađát,
Nhiều gia súc và ruộng đồng bát ngát.
Trời cho ông có được cậu con trai
Tên Zohak, rất dũng cảm, nhiều tài.
Chàng thông minh, yêu đời, luôn hiếu động,
Nhưng nhẹ dạ, thơ ngây trong cuộc sống.
Một sáng nọ, đang cưỡi ngựa đi chơi
Ở chỗ vắng, chàng bỗng gặp một người
Rất ưa nhìn, hào hoa và tế nhị.
Nhưng người ấy, than ôi, là con quỷ.
Nó hiện thân để dụ dỗ, lừa chàng
Bằng lời nói, bằng cử chỉ đàng hoàng,
Đưa chàng trai vào con đường tội lỗi,
Sau một lúc chuyện trò, con quỷ nói:
"Này Zohak, muốn thành đạt, đi xa,
Anh phải thề sẽ làm đúng lời ta!"
Vốn chân thật, lại tin ngay bạn quỷ,
Zohak thề mà không cần suy nghĩ:
"Tôi xin thề là sống chết từ nay,
Dù ở đâu, ban đêm hay ban ngày,
Sẽ làm theo đúng như lời anh nói,
Nếu vi phạm sẽ bị trời bắt tội!"
Con quỷ cười: "Tốt lắm, hãy nghe ta.
Cha của anh luôn ốm yếu, lại già,
Vậy hãy giết ông ta đi, đừng ngại.
Anh sẽ được lên làm vua mãi mãi".
Zohak nghe, tái mặt, sợ hết hồn.
Dẫu sao chàng vẫn biết đạo làm con.
"Ta không thể làm điều này! - chàng nói.-
Đừng khuyên ta làm điều gian, tội lỗi!"
Con quỷ đáp: "Anh định phá lời thề?
Hay anh muốn bị trừng phạt nặng nề?
Anh phải chết, phải suốt đời nhục nhã,
Cũng sẽ chết cả nhà anh danh giá."
Vậy là chỉ một chốc thôi, anh ta
Đã bị đưa vào bẫy quỷ ma tà.
"Vâng, tôi xin nghe theo ông, đành vậy.
Nhưng tôi biết làm sao đây điều ấy?"
Con quỷ đáp: "Đừng lo. Ta giúp anh.
Khi được ta giúp đỡ, việc ắt thành."
Trong cung điện của đức vua Mađát
Có khu vườn nhiều cây to bóng mát.
Vua thường hay vào đấy dạo ban đêm,
Dưới ánh trăng mờ ảo, cảnh êm đềm.
Biết điều ấy, con vua, do quỷ báo,
Đào chiếc hố trên đường vua đi dạo.
Thế là vua ngã xuống hố chết ngay,
Mà không biết con mình làm việc này.
Còn Zohak lên ngôi vua từ đó
Với cái nhục suốt đời - con giết bố!
QUỈ LÀM ĐẦU BẾP CHO VUA ZOHAK
Vừa mới xui con giết cha, độc ác,
Quỷ lần nữa lăm le làm việc khác.
Nó biến thành chàng trai trẻ khôi ngô,
Ăn nói hay, nhanh nhẹn, biết nhiều trò.
Gặp Zohak mới lên ngôi, nó nói:
"Tôi là người chuyên nấu ăn rất giỏi,
Xin được ngài cho hầu hạ trong cung,
Nấu những món ngon và lạ vô cùng".
Vua đồng ý. Thế là bằng phù phép
Quỷ được nhận vào cung làm đầu bếp.
Vào thời ấy thức ăn khác ngày nay,
Vua cũng ăn toàn hoa quả, lá cây.
Các món thịt hầu thì như chưa có,
Lại càng hiếm những thức ăn béo bổ.
Quỷ quyết định cho vua ăn lần này
Những gì ngài chưa được biết xưa nay.
Món đầu tiên là trứng chim rán mỡ.
Zohak ăn, thấy rất ngon, mừng rỡ.
Món tiếp theo con quỷ dọn hôm sau
Là thịt gà, còn ngon hơn món đầu.
Rồi tiếp đến, món bò thui, tiếp nữa,
Món ngon nhất, là cháo hầm lợn sữa.
Zohak khen, cảm ơn quỷ, mỉm cười:
"Ngươi muốn gì, ta sẽ thưởng cho ngươi!"
Con quỷ đáp: "Với tôi quan trọng nhất
Là thấy vua ăn ngon và đủ chất.
Nếu thực tình, ngài muốn thưởng cho tôi,
Thì xin ngài hãy để tôi đặt môi
Hôn lần lượt đôi vai ngài khỏe mạnh."
Vua đồng ý. Con quỷ cười ranh mãnh,
Rồi khẽ hôn lên vai vua. Lạ thay,
Nó biến mất. Từ vai vua lúc này
Bỗng nhú lên đôi rắn đen dữ tợn.
Vua hoảng sợ liền kêu to đau đớn.
Vua sai người chém đứt rắn, than ôi,
Hai con khác mọc lên, lớn gấp đôi.
Nhiều danh y từ khắp nơi trong nước
Được triệu đến, nhưng chẳng làm gì đươc.
Con quỷ ấy lần nữa lại ra tay.
Nó biến thành thầy thuốc, bảo thế này:
"Không một ai cưỡng được đòn số phận.
Vua không giết, mà phải nuôi đôi rắn.
Nuôi bằng óc hai người mỗi ngày đêm.
Không làm thế, vua sẽ chết, rồi xem!"
Thế là vua lại gây thêm tội ác
Ở một nước vốn nghèo nàn, loạn lạc
NGUỒN GỐC NGƯỜI KURDS
Người đẩu tiên bị rắn thần ăn thịt
Là hai cô con quan Tamahit.
Hai nàng đẹp, thật dịu dàng, trắng trong,
Như sao mai, như lỉễu cạnh bờ sông.
Cô chị cả có tên Shariaz.
Còn nàng kia, cô em - Arnavaz.
Theo lệnh vua, họ được dẫn vào cung,
Người run lên vì lo sợ vô cùng.
Thế là họ bị làm mồi cho rắn,
Một trò chơi rất ranh ma, tàn nhẫn.
Và cứ thế, đất nước nhiều năm trời
Cứ một đêm lại ít đi hai người.
Họ đều trẻ, cả con dân nghèo đói,
Cả con quan và con nhà dòng dõi.
Họ bị trao cho đầu bếp, tên này
Moi óc họ cho rắn ăn hàng ngày.
Tiếng ca thán ngày một lan trong nước,
Nhưng ca thán mà không làm gì được.
Một ngày nọ, có hai người gặp nhau.
Họ còn trẻ, có học, con nhà giàu.
Tên của một trong hai người - Camanac.
Còn người kia, trẻ hơn, Aramac.
Họ gặp nhau, nói đủ chuyện, cuối cùng
Lại nhắc đến đôi rắn ở hoàng cung,
Chuyện nhà vua quá tham lam, tàn nhẫn,
Và cả chuyện các nạn nhân của hắn.
Hai anh bạn quyết định lúc chia tay:
Phải tìm cách giúp đỡ những người này.
Họ cải trang thành những đầu bếp giỏi -
Nhờ hối lộ, và cũng nhờ ăn nói,
Họ được vào làm đầu bếp trong cung,
Làm cái việc nuôi rắn kia hãi hùng.
Những hôm đầu họ phải đành nuốt giận
Giết mỗi ngày hai người nuôi đôi rắn.
Nhưng rồi sau, họ khéo léo dùng mưu
Óc một người họ thay bằng óc cừu
Cuối cùng họ hằng ngày nuôi rắn độc
Chỉ bằng cách mổ bầy cừu lấy óc.
Vậy là họ, cứ thế ngày tiếp ngày
Cứu nhiều người thoát chết bằng cách này.
Họ bí mật được đưa đi khai phá
Một vùng đất thật xa và mới lạ
Sau lập nên vương quốc Kurdistan
Mà nghe đồn giàu đẹp nhất trần gian.
GIẤC MƠ CỦA ZOHAK
Dành quyền lực bằng âm mưu, cái ác,
Đúng nghìn năm trị vì vua Zohak.
Dưới bàn tay cai trị của vua này,
Cả thế giới phải rên xiết đêm ngày.
Việc làm tốt bị chìm trong bóng tối
Để nhường chỗ cho bất công, tội lỗi.
Không còn chỗ cho người giỏi, thông minh.
Đâu cũng đầy bọn lừa đảo, chiêm tinh.
Không dám nói, nhưng mọi người đều thấy
Chính quỉ Div gây nên tai họa ấy.
... Vua Zohak có một trò bất lương
Là phá trinh các cô gái dân thường.
Hắn đưa họ vào thâm cung làm nhục,
Khinh đạo lý, phép trời và địa ngục,
Cứ đều đều tiếp diễn bấy lâu nay.
Ta hãy xem trời trị hắn tội này.
Một tối nọ, theo lệ thường, Arnavas
Lên giường ngủ với đức vua Zohak.
Đêm đã khuya, cung điện lặng như tờ,
Vua hãi hùng khi chợt thấy trong mơ
Ba chiến binh rất cao to, khỏe mạnh,
Mặc giáp trụ dát bạc vàng lấp lánh.
Người đứng giữa, như một bậc đế vương,
Trẻ, thanh cao, khuôn mặt đẹp khác thường.
Trên thắt lưng là một viên ngọc quí,
Một tay chàng cầm chiếc chùy dũng sĩ.
Chàng thúc ngựa vụt lao lên, và rồi
Tung thòng lọng vào cổ vua, than ôi,
Kéo Zohak lê thê trên mặt đất,
Về phía núi Đêmavend cao ngất...
Vua Zohak, vừa kinh ngạc, vừa lo,
Đang giữa đêm kêu một tiếng rất to,
To đến mức cột nhà rung, muốn đổ.
Rồi tất cả lại lặng yên sau đó.
Các cung nữ, nghe tiếng ấy thất kinh:
“Gì xẩy ra với đức vua của mình?”
Arnavas: “Thưa vua, chuyện gì vậy?
Nói em nghe những điều ngài mơ thấy.
Vua đang ở trong cung điện của ngài,
Sao giật mình, ngài hoảng sợ, sợ ai?
Không đúng ư, ngài là vua bảy xứ?
Vua của người, chim muông và thú dữ?”
“Giấc mơ này rất kinh hãi của ta, -
Zohak đáp, - ta không thể nói ra.
Không cần hỏi, ngươi chỉ cần được biết,
Rằng chắc chắn sắp tới đây ta chết!”
Arnavas hỏi đức vua: “Thưa ngài,
Xin cho biết, ngài sợ gì, sợ ai?
Rất có thể, được mọi người góp ý,
Vua thoát khỏi giấc mơ này kinh dị”.
Zohak nghe, đem kể hết với nàng.
Arnavas liền đáp lại dịu dàng:
“Ngài là vua của muôn vua hùng mạnh,
Tỏa ánh sáng như mặt trời lấp lánh.
Sống ở đời, để thoát khỏi hiểm nguy
Thì trước hết phải biết nó là gì.
Hãy cho mời các quân sư, thầy bói,
Nhà chiêm tinh, mời những người thật giỏi.
Họ giúp ngài giải ý nghĩa giấc mơ,
Giải cặn kẽ cho ngài nghe, bấy giờ
Ngài sẽ biết kẻ thù đang giấu mặt
Là thú dữ, quỉ, người hay trời đất.
Và một khi biết rõ kẻ thù mình,
Ngài liệu bề đối phó thật thông minh.”
Zohak nghe những lời kia chí lý
Liền làm theo mà không cần suy nghĩ.
CÁC THẦY TẾ GIẢI THÍCH Ý NGHĨA
GIẤC MƠ CỦA ZOHAK
Như lông quạ, bầu trời đen xa xa,
Mặt trời ló sau rặng cây xùm xòa.
Nhưng mặt trời, viên ngọc hồng, bất chợt
Biến mất khỏi bầu trời cao, xanh nhợt.
Các thầy tế và những ai thông minh
Từ đất nước rất rộng lớn của mình
Đều được lệnh phải vào cung. Ở đó
Vua kể lại giấc mơ kia cho họ.
“Phải nói rõ, quyết không được nói sai! -
Vua ra lệnh. - Con người kia là ai?
Ai thay ta lên ngôi khi ta chết?
Phải nói thật, không thì ta sẽ giết!”
Mặt tái nhợt, các thầy tế cúi đầu
Rồi thì thầm chia nỗi sợ cùng nhau:
“Nói thật ư? Nói với vua tất cả?
Khó giữ mạng, mà mạng người quí giá.
Còn nếu biết mà giấu vua, than ôi,
Thì thế nào cũng phải chết mà thôi!”
Đã ba ngày trôi qua, vua lại vội.
Rất lo sợ, không người nào dám nói.
Ngày thứ tư, vua quát: “Bọn chúng mày
Hoặc là chết, hoặc phải nói ra ngay!”
Các thầy tế lại cúi đầu sợ sệt
Khi lần nữa phải nghe về cái chết.
Trong số họ, có một người thông minh,
Tên Zirak, rất biết người, biết mình.
Vốn dũng cảm, uyên thâm hơn người khác,
Ông đứng dậy, nói với vua Zohak:
“Tâu đức vua, đức vua buồn làm gì
Việc chúng ta, sớm muộn cũng ra đi.
Trước bệ hạ từng nhiều vua tài giỏi,
Nhiều của cải, nhiều chiến công chói lọi,
Thế mà rồi họ cũng chết. Sau này
Bệ hạ chết, người khác sẽ lên thay.
Qui luật ấy không thể nào khác được,
Như song sắt không thể ngăn dòng nước.
Người thay vua, tâu bệ hạ, có tên
Fariđun, ngôi sao mới sắp lên.
Hiện giờ hắn còn chưa sinh, do vậy
Vua có tìm cũng không bao giờ thấy.
Mẹ của hắn thuộc dòng dõi đế vương.
Như cây thông, cân đối, đẹp khác thường,
Hắn khỏe mạnh, bằng chiếc chùy rất nặng,
Sẽ chiếm được ngai vàng nhờ chiến thắng.
Chiếc chùy ấy, loại có một không hai,
Một ngày kia sẽ giáng xuống đầu ngài”.
Vua Zohak ôm đầu, run lẩy bẩy:
“Nhưng vì sao hắn ghét ta như vậy?”
“Việc làm nào cũng phải có nguyên nhân, -
Zirak nói. - Chính đức vua có lần
Đã giết chết cha tên này, giờ hắn
Quyết phải giết đức vua cho hả giận.
Thêm vào đó, có con bò Purmai
Được sinh ra để nuôi kẻ thù ngài.
Nó sẽ chết dưới tay vua, tuy vậy,
Fariđun sẽ trả thù điều ấy.”
Zohak nghe, quá sợ hãi, bất ngờ
Từ ngai vàng hắn ngã xuống, nằm đơ.
Hắn chết ngất hồi lâu, khi tỉnh lại,
Liền bỏ đi trong lo âu, sợ hãi.
Hắn ra lệnh: Bằng mọi cách, mọi nơi
Tìm dấu vết Fariđun trên đời.
Hắn lo sợ, đến quên ăn, quên ngủ
Trời nắng đẹp thành âm u, ủ rũ.
Và cứ thế, thời gian trôi rất nhanh,
Tên vua rắn chờ cái chết của mình.
ROSTAM VÀ SOKHRAB
Giờ tôi kể các bạn nghe chuyện này,
Một chuyện thật được lưu truyền lâu nay
Về Rostam, và cả về Sokhrab -
Hai cha con, vì cảnh đời phức tạp,
Vì hiểu nhầm mà cầm giáo đâm nhau.
Chuyện thật buồn, lòng người kể thật đau.
Chuyện Rostam, một anh hùng, tráng sĩ,
Tôi nghe lại từ một ông giáo sĩ.
ROSTAM ĐI SĂN
Một sáng nọ, khi mặt trời mới lên,
Chàng đã dậy, sai chuẩn bị cung tên,
Rồi lên ngựa, con Raksha dũng mãnh.
Như sư tử oai hùng đầy kiêu hãnh,
Chàng phóng đi, cát bụi cuốn theo chân,
Săn lợn rừng, xa tận nước Turan.
Khi đến nơi, sâu trong rừng, chàng thấy
Một bầy lợn nhởn nhơ ăn ở đấy.
Thế là chàng thúc ngựa tới, nhanh lên!
Cánh tay chàng to khỏe rút cung tên.
Cả đàn lợn nháo nhào - đâu thoát được.
Chàng vừa bắn, vừa đâm, sau lẫn trước.
Và cuối cùng, xuống ngựa, lấy cây khô,
Chàng đập đá, đốt đống lửa rất to.
Ngọn lửa cháy, chập chờn bao đốm đỏ.
Chàng đặt cả con lợn to lên đó.
Mùi thịt nướng bốc lên, chao, thật ngon.
Chàng dũng sĩ một mình ăn cả con.
Còn hút tủy trong xương. Xong, thấm mệt,
Chàng nằm nghỉ và ngủ quên không biết.
Được tháo cương, ngựa của chàng, Raksha,
Đang thanh bình gặm cỏ phía xa xa.
Đúng lúc ấy, mươi, mười lăm kỵ sĩ
Đi ngang qua, cũng dừng chân tạm nghỉ.
Họ nhìn thấy con ngựa đẹp hiền lành
Đang gặm cỏ, không có người xung quanh,
Liền nảy ý bắt mang đi. Và họ
Vội phóng ngựa lại gần. Sao, bắt nó?
Bắt Raksha, con tuấn mã của chàng?
Nó điên cuồng tung vó đá dọc ngang.
Ba đứa chết, nhưng những tên còn lại
Vẫn áp sát thành vòng, dù sợ hãi.
Và cuối cùng, vì bọn chúng còn đông,
Vì quanh cổ bị xiết mấy dây vòng,
Con ngựa quí đành đứng im, và nó
Bị chúng bắt, đưa ngay về thành phố.
Còn Rostam, sau giấc ngủ rất say,
Khi tỉnh dậy, định lên ngựa đi ngay
Nhưng than ôi, con ngựa chàng yêu quí
Cố tìm mãi không thấy đâu. Chàng nghĩ:
“Nó đi đâu? Ai bắt? Giữa ban ngày?
Không có ngựa, giờ biết tính sao đây?
Vũ khí nặng, làm sao ta mang nổi?
Biết đi đâu giữa ban trưa nắng chói?
Không có ngựa, kẻ thù đến thì sao,
Dẫu khỏe mạnh, ta chống lại cách nào?
Ta ngủ quên, và giờ thì thế đấy.
Thôi, phải chịu, phải đi thôi, đành vậy”.
Rồi vắt hết bộ yên cương lên vai,
Chàng liền đi, sải những bước chân dài,
Tới thành phố Samengan, hy vọng
Tìm thấy lại con ngựa mình còn sống.
Đời vẫn thế: Anh không ngồi trên yên,
Thì è cổ mà cam phận vác yên!
ROSTAM VÀO THÀNH SAMENGAN
Vì Rostam nổi danh là tráng sĩ
Có sức mạnh phi thường và cao quí,
Nên nghe tin chàng đang đến, mọi người
Ra cổng thành chờ đợi trước. Khắp nơi
Cái tin lớn rằng Rostam đi bộ
Sắp đến đây, lan truyền nhanh khắp phố.
Vua được tin, ra lệnh các đại thần
Và hoàng cung phải đón tiếp ân cần.
Chàng xuất hiện, mọi người nhìn, trố mắt:
Đẹp, to lớn đến không tin là thật.
“Ngài đấy ư, hay quả thật thần linh
Đến đất này, thưa Rostam quang vinh?”
Đích thân vua cùng các nhà thông thái
Ra tận cổng đón con người vĩ đại.
“Mời tráng sĩ làm khách quí đất này.
Chuyện gì vậy đã đưa ngài đến đây?
Ngài cần gì? Với tấm lòng kính phục,
Chúng tôi giúp, mọi nơi và mọi lúc”.
Rostam nghe, thầm nghĩ vua Turan
Chắc trong đầu không tính chuyện thâm gian,
Lễ phép đáp: “Thưa đức vua cao cả,
Ai đó bắt của tôi con tuấn mã.
Tôi đi săn, khi ngủ thiếp, người ta
Dắt nó đi, tôi nghĩ chắc chưa xa.
Vậy xin vua hãy cho người tìm nó.
Tôi thành thật mang ơn vua điều đó.
Còn nếu không, vua sẽ biết, nhanh thôi,
Cơn tức giận và đôi tay của tôi!”
“Thật đáng sợ đôi cánh tay tráng sĩ.
Chắc không ai dám làm ngài phật ý.
Ngài yên tâm, con ngựa quí Paksha, -
Vua vội đáp, - thế nào cũng tìm ra.
Ngài cưỡi nó, tung hoành nơi trận mạc.
Ai có thể làm điều kia độc ác?
Xin mời ngài ở lại, tối hôm nay
Ta trò chuyện, cùng ăn uống no say”.
Lời hứa ấy nghe chân thành, chắc chắn,
Làm Rostam cũng phần nào bớt giận.
Chàng vui vẻ theo vua vào bên trong.
Vua Turan thì rất vui, hài lòng
Vì được tiếp một con người vĩ đại.
Họ trò chuyện, cùng nói cười thoải mái.
Vua mở tiệc, mời văn võ bá quan
Đến chúc mừng vị khách quí Turan.
Thức ăn ngon được bày lên la liệt
Dòng suối rượu chảy không bao giờ hết
Cùng tiếng đàn, tiếng hát, tiếng chúc nhau,
Nô tì múa, quần áo đủ các màu.
Rồi cuối cùng, tiệc tan, chàng tráng sĩ
Được dẫn tới một phòng riêng yên nghỉ.
Phần vì rượu, phần vì mệt suốt ngày,
Rostam ngủ một giấc dài, rất say.
TAHMINA, CON GÁI VUA SAMENGAN, ĐẾN
GẶP ROSTAM. CHÀNG CƯỚI NÀNG LÀM VỢ
Chắc đã khuya, trời chi chít sao đêm,
Cả hoàng cung trong giấc ngủ êm đềm.
Bỗng có tiếng chân ai đi rất khẽ,
Cánh cửa lớn phòng Rostam mở hé.
Một nữ nô tay cầm nến nhẹ nhàng
Bước vào trong, bám theo sát chân nàng
Là chủ cô, một nữ thần nhan sắc -
Khuôn mặt sáng như vầng trăng vằng vặc;
Đôi môi son là hai cánh hoa hồng,
Hai hàm răng - hai chuỗi ngọc rất trong;
Người thon thẳng như cây dương mới lớn.
Mái tóc đen rất dài, như sóng lượn.
Từ cơ thể và tâm hồn của nàng
Luôn toát ra sự trong trắng dịu dàng.
Nàng xinh đẹp như thiên thần e lệ.
Giờ nàng đến với Rostam. Thấy thế,
Chàng ngạc nhiên, ngồi nhổm dậy, và rồi
Hỏi: “Cớ gì nàng lại đến phòng tôi
Nàng là ai? Nàng muốn gì? Hãy nói!”
Cô gái nghe, hơi ít nhiều bối rối:
“Thưa tráng sĩ, em là Tahmina,
Là công chúa, con gái đức vua cha.
Đã từ lâu em nghe danh tráng sĩ,
Một anh hùng với tâm hồn cao quí,
Người lập nên bao chiến tích phi thường,
Em đã nghe và đem lòmg yêu thương
Em mong đợi sẽ có ngày gặp mặt,
Và bây giờ chàng bên em, trước mắt...
Em xấu hổ vì tự mình đến đây.
Em không thể, không muốn cưỡng điều này.
Em, thậm chí, mong có ngày làm mẹ
Một tráng sĩ, như chàng, to, mạnh khỏe,
Để, như chàng, nổi tiếng khắp trần gian,
Để tiếp tục nối ngôi Samengan.
Vâng, thế đấy, em mong chàng sẽ hiểu
Và không khinh Tahmina mềm yếu...”
Dẫu cứng rắn, quen tìm kiếm chiến công,
Rostam nghe cũng cảm thấy mềm lòng.
“Mình có vẻ đang gặp may, - chàng nghĩ -
Nhờ không may bị mất con ngựa quí!”
Chàng lập tức cho gọi lão giám quan,
Bảo muốn gặp đức vua Samengan
Để trao đổi một vài điều nho nhỏ.
Vua được tin, liền đến ngay sau đó.
Ngài rất vui thấy chàng cầu hôn,
Không chần chừ, liền đồng ý gả con.
Được tráng sĩ Rostam làm phò mã
Là may mắn, vinh quang và danh giá!
Thế là tin công chúa Tahmina
Sắp kết hôn lan mọi phố, mọi nhà.
Ai cũng được mời uống say vui vẻ
Trong tiệc cưới, mừng cho đôi bạn trẻ.
Đêm tân hôn, một đêm ngắn làm sao,
Rostam biết mình gặp may thế nào
Khi có được người vợ ngoan, hoàn hảo.
Trên tay chàng luôn đeo viên mả não.
Chàng cởi nó đưa cho vợ, mà rằng:
“Nếu ta sinh con gái, đẹp như nàng,
Nàng hãy đeo viên đá này bé nhỏ -
Bùa cầu may diệu kỳ - lên tóc nó.
Còn nếu trời cho ta cậu con trai,
Một tráng sĩ sẽ lừng danh nay mai,
Hãy để nó đeo lên tay, thần thánh
Sẽ biến nó thành chàng trai khỏe mạnh,
Trở thành người nổi tiếng Samengan,
Sánh ngang hàng với chính Nariman.
Nó thực sự là một chàng tráng sĩ,
Bắt sư tử xem như trò giải trí.
Một mũi tên được nó phóng lên mây,
Một đại bàn sẽ rơi xuống. Xưa nay
Không ai hơn con chúng ta, vì vậy,
Viên ngọc này giữ cho con, cầm lấy!”
Chàng nói xong, cũng là khi vầng dương
Vừa hé rạng, chàng sửa soạn lên đường.
Tahmina cầm tay chồng lưu luyến.
Rồi đức vua dẫn ngựa chàng đi đến.
Như ngọn gió, nhằm thẳng hướng Iran,
Chàng phóng đi, bao cảm xúc dâng tràn,
Thầm quyết định, khi đến nơi nhất thiết
Chuyện xẩy ra không cho ai được biết.
SOKHRAB TẤN CÔNG LÂU ĐÀI TRẮNG
Sát biên giới Iran, nơi hoang vắng,
Người ta xây một lâu đài màu trắng.
Tướng trông giữ lâu đài là Khatgi,
Rất khỏe mạnh, rất can trường, phương phi.
Vua Iran gửi tới đây cai trị
Một vị quan đã già, giàu mưu trí.
Tên người này là al Gutđakham,
Không nhân từ, nhưng cũng chẳng tham lam.
Còn cô con thì tuy rằng đẹp thật,
Nhưng tính khí lại khác thường bậc nhất.
Khi Sukhrab dẫn đầu quân Turan
Đến đánh chiếm thành này của Iran
Thì Khatgi liền vội vàng xuất hiên,
Mặc áo giáp, lên yên ra nghênh chiến.
Phi trên con tuấn mã phóng như bay,
Giơ cao gươm, liền quát to thế này:
"Hỡi bọn người Turan kia, ai dám,
Ai có đủ sức tài và can đảm,
Hãy ra đây một chọi một với ta.
Không thì nên nhanh chóng rút về nhà!"
Tướng Turan liền xông lên hăng hái,
Nhưng lần lượt bị Khatgi đánh bại.
Sokhrab thấy thế, giận vô cùng,
Liền quyết định ra thử sức anh hùng.
Chàng thúc ngựa, vút lao lên dũng mãnh,
Bụi bốc cao, giáp và gươm lấp lánh.
"Ngươi là ai? - chàng quát bảo Khatgi. -
Phải chăng ngươi không biết sợ là gì?
Ngươi dám chống lại ta, không sợ chết?
Vậy thì coi như đời ngươi đã hết!"
Khátgi đáp: "Thằng bé kia lắm lời,
Ngươi mà dám chống lại ta, là người
Sư tử gặp phải cúp đuôi bỏ chạy.
Ta - Khátgi, luôn đánh đâu thắng đấy!"
Sokhrab nghe xong chỉ cười to,
Tay giơ gươm, lính hai phía reo hò.
Hai dũng sĩ lao vào nhau quyết chiến.
Bóng của họ trong bụi mù ẩn hiện.
Sokhrab dọc ngang như mũi tên,
Như tia chớp giữa bầu trời đêm đen.
Bỗng Khatgi quay người, đâm thật mạnh.
Sukhrab kịp cúi mình né tránh.
Và rồi chàng, không để nhỡ thời cơ,
Nhằm đối thủ đâm một nhát bất ngờ.
Khatgi ngã, còn chưa tin là thật,
Cứ như bị gió thần xô xuống đất.
Sukhrab xuống ngựa, rút dao ra
Đang định giết thì Khátgi xin tha.
Vốn cao thượng, và cũng hay xúc động,
Chàng đã tha cho kẻ thù được sống.
SOKHRAB VÀ GUĐAPHARIT
Con chủ thành, nàng Guđapharit
Đẹp và giỏi binh đao như ta biết.
Thích đánh nhau, võ nghệ rất cao cường,
Dẫu bề ngoài là cô gái dễ thương.
Thấy bố mình chịu thua nhanh, nhục nhã,
Nàng tức giận đến đỏ bừng đôi má.
Nàng mặc ngay giáp sắt, mũ che đầu,
Mái tóc dài cuộn ngược giấu đằng sau,
Rồi phóng ngựa lao ra, ai dám nghĩ
Trong áo giáp là tiểu thư quyền quí?
Nàng quát to với binh tướng Turan:
"Các ngươi ai có đủ tài, đủ gan,
Hãy ra đây quyết một phen sống chết!
Ai thủ lĩnh các ngươi, ta muốn biết?"
Các viên tướng của Turan, than ôi,
Chẳng người nào dám ra đấu tay đôi.
Sokhrab nhìn từ xa, nghĩ bụng:
"Thêm một thằng nhãi con không muốn sống!"
Chàng lại mặc giáp sắt, lại lên yên.
Người và ngựa phóng đi như mũi tên.
Cũng lúc ấy nàng Guđapharit
Dương cung bắn một mũi tên bay tít.
Lúc đi săn nàng bắn mũi tên này
Luôn trúng đích chim đại bàng đang bay.
Nhưng bây giờ, dẫu thật nhanh và mạnh,
Nó vẫn bị kẻ thù nàng né tránh.
Sukhrab quát to: "Vứt cung đi.
Đừng chơi trò con trẻ ấy làm gì.
Hãy cầm giáo đánh nhau như hiệp sĩ.
Hãy đỡ lấy cú đòn này. Chuẩn bị!"
Chàng phóng lại gần nàng hơn, và rồi
Đâm mũi giáo làm khiên nàng nứt đôi.
Nàng suýt ngã, nhưng một tay bám chặt
Vào yên cương. Tay kia, nhanh như cắt
Rút thanh gươm chém đứt giáo của chàng,
Rồi lần nữa ngồi trên yên vững vàng,
Nàng phóng đi, không một giây sợ sệt,
Dễ dàng thoát khỏi bàn tay thần chết.
Sukhrab đuổi theo, từ phía sau,
Chàng với tay giật chiếc mũ trên đầu,
Làm sổ tung mái tóc dài phụ nữ.
Vừa ngạc nhiên, và cũng vừa giận dữ,
Chàng ném dây, cuốn thật chặt người nàng
Rồi giật mạnh, kéo nàng ngã trước chàng.
"Hỡi người đẹp, giờ thì cô đã thấy! -
Chàng xuống ngựa. - Đừng hoài công bỏ chạy.
Ta từng bắt nhiều tù binh xưa nay,
Chưa thấy ai xinh đẹp, trẻ thế này."
Thấy muốn thoát cũng không sao thoát nổi,
Nữ tù binh Iran nghiêm mặt nói:
"Không nhất thiết phải nhiều lời làm gì.
Chàng muốn giết thì cứ việc giết đi.
Nhưng đừng quên: từ hai bên binh sĩ
Đang nhìn ta. Sau này, chàng thử nghĩ,
Họ sẽ đồn đủ các chuyện không hay,
Rằng Sokhrab vào ngày nọ, tháng này
Đã đánh nhau và rồi đang tâm giết
Một phụ nữ đã xin chàng tha chết.
Không, tốt hơn nên làm khác. Xin chàng
Hãy tha chết cho em. Cả kho vàng,
Cả binh lính, cả lâu đài, thành lũy,
Tự tay em sẽ trao cho hiệp sĩ!"
Thấy mặt nàng xinh và tươi như hoa,
Lại rất giỏi binh đao, dẫu đàn bà,
Sukhrab lòng tự nhiên bối rối.
Chàng do dự một hồi lâu rồi nói:
"Được, ta tha, nhưng hãy nhớ điều này:
Nếu trở mặt thì liệu hồn, rồi đây
Cả thành nàng sẽ bị ta hủy diệt,
Và tất cả không một ai thoát chết!"
Rồi chàng tha cho cô gái vào thành,
Mà không biết cái gì đang đợi mình.
TAKHI
Baba Takhi là nhà thơ nổi tiếng ở phương Đông (Trung Á). Ông sinh ở Iran, vào cuối thế kỷ thứ 10, ngày mất không rõ. Gần đây tại thành phố Khamadan quê hương ông, người ta đã dựng lên một lăng mộ lớn trên chỗ chôn thi hài của nhà thơ rất được mến mộ này của thế giới Arập. So với Khayyam, Baba Takhi viết ít hơn và kém nổi tiếng hơn. Thơ ông buồn và mang tính yếm thế.
THƠ BỐN CÂU
1
Tôi là người đời gây bao đau khổ.
Là du khách chỉ mơ về quán trọ.
Là bụi gai trên sa mạc mênh mông
Giữa cát nóng lăn phật phờ theo gió.
2
Một kẻ lang thang, đói nghèo, chân đất - Đó là tôi.
Người số phận phũ phàng luôn đuổi bắt - Đó là tôi.
Người cái buồn, cái khổ bám ngày đêm,
Mong cái chết như niềm vui lớn - Đó là tôi.
3
Hỡi thượng đế, đừng giết người như thế.
Đã cho hoa, đừng cho gai như thế.
Sao thượng đế làm tôi đau khổ đủ điều.
Còn giả bộ chẳng hay gì như thế?
4
Tôi đang đi, sẩy chân, sa xuống hố -
Hố rộng, sâu, nhưng phía trên che cỏ.
Tôi cầu cứu bạn tôi, nhưng hắn đã đi xa.
Vì hắn biết từ rất lâu hố đó.
5
Đêm mùa đông đen, đêm của tôi đen hơn.
Ngày mùa đông buồn, ngày của tôi buồn hơn.
Khi xuân đến, ngày và đêm đều sáng,
Chỉ riêng tâm hồn tôi không sáng hơn.
6
Ôi làm sao bắt tim em rực cháy.
Có lửa nào làm đá kia nóng chảy.
Anh định sưởi tình em, và anh khóc đêm ngày.
Nhưng nước mắt, than ôi, không thể cháy.
7
Cứ để mi anh luôn thấm đầy nước mắt.
Anh cứ cầu xin như những thằng hành khất,
Dù lửa tình yêu thiêu anh cháy bây giờ.
Để xác thành tro, theo gió đời bay mất.
8
Ta nói chuyện cùng nhau, nào trái tim đau khổ:
Trên đường đời quanh co, đầy hiểm nguy gian khó.
Chớ nhụt bước bao giờ, chắc chắn một ngày kia
Từ những bụi gai khô sẽ mọc bông hoa đỏ.
9
Tình yêu bắt tôi lang thang trên cát trắng,
hết ngày đến đêm.
Buốt lạnh, cô đơn giữa bốn bề im lặng, hết ngày đến đêm.
Tôi không ốm đau gì, nhưng chẳng biết vì sao
Cái buồn, cái đau cứ khắc sâu trên trán, hết ngày đến đêm.
10
Như lạc đà còng lưng lê chân đi chật vật.
Tôi còng lưng gánh gánh đời đầy đau thương, nước mắt.
Ôi cái kiếp đáng buồn, nhưng buồn nhất là khi
Anh bị thắng vào xe cho thằng ngu nó dắt.
11
Dù tình yêu đêm ngày bắt ta buồn, khổ nhục,
Nhưng tình yêu mê say vẫn là nguồn hạnh phúc.
Trên ngọn lửa tình yêu ai không dám thiêu mình.
Cứ để hắn chết thiêu trên giàn thiêu địa ngục.
12
Tôi già yếu, còn đâu, ôi những ngày xưa ấy.
Khi tuổi trẻ trào sôi, trong như dòng suối chảy.
Người ta nói: Takhi, sao không hái hoa hồng?
Ồ, sao ư? Vì mắt tôi không thấy.
13
Ôi tim ta, có bao giờ, bao giờ, bao giờ thôi máu chảy?
Có bao giờ, bao giờ, thôi đau vì tình yêu nồng cháy?
Kìa, hái đi! - Tim khẩn khoản nói, nói, nói cùng ta.
Khi mỗi lần, mỗi lần, mỗi lần bông hoa hồng tim thấy.
14
Bằng tình yêu, thiêu tôi đi, thượng đế.
Cho rực sáng những chuỗi ngày thấm lệ.
Và dù tôi tan như nến trong đêm.
Dù tim đau, thiêu tôi đi, thượng đế.
15
Trái tim ai chỉ quen mùi hạnh phúc.
Sẽ không biết giá buồn đau, khổ nhục.
Từ xưa thế lâu rồi, anh đâu dám trách em:
Người tự do không thương người trong ngục.
16
Nỗi khổ tình yêu xua anh vào sa mạc.
Cuộc đời anh, than ôi, bị chôn vùi trong cát.
Hãy gắng chịu, em khuyên, anh nhẫn nhục nghe em.
Dù nhẫn nhục, anh tin, chỉ vùi anh trong cát.
17
Ừ thì em không yêu, sao làm anh đau thế?
Anh gặp em làm gì để mà rồi nhỏ lệ?
Em không chữa tim anh đang rỉ máu đêm ngày.
Sao còn nỡ nhiều khi rắc muối vào như thế?
18
Luôn nhẫn nhục và suốt đời công nợ.
Hãy nhìn tôi, đến mức này sao nỡ.
Vì thượng đế bắt tôi phải đầu cúi lưng còng.
Thành chiếc cung bắn những lời than thở.
19
Ta chỉ sống một giây trên đời này ngắn ngủi.
Đừng để buồn lo tầm thường đưa anh vào lưới.
Anh nghe chăng trong gió tiếng ai rên.
Anh nghe chăng tiếng kêu từ xa đang vọng tới?
20
Anh lâng lâng mỗi lần đi trên núi.
Thấy cuộc đời hết đau thương buồn tủi.
Nước mắt anh, anh tưới ướt con đường
Lên Alvand cho em đi khỏi bụi.
21
Nước mắt anh như nến cháy trong đêm.
Từ tim anh đang chảy bởi tình em.
Vì em, vì em suốt ngày anh khóc.
Và anh tan như nến cháy trong đêm.
22
Cháy, rực cháy, tâm hồn anh là vậy.
Anh sung sướng khi tim anh máu chảy.
Bản thân em không chết bởi lửa tình.
Sao hiểu được người vì em đã cháy.
23
Hương ngươi thơm làm ta ngây ngất, hỡi hoa hồng.
Làm máu trong tim bỗng dồn lên mặt, hỡi hoa hồng.
Ta như nhớ như thương... ôi quả đúng ta yêu.
Hãy cho ta cánh hoa, dù bé nhất, hỡi hoa hồng.
24
Vàng bạc đời này không làm ai vui sướng.
Hãy giữ sáng tâm hồn, trong đói nghèo cao thượng.
Ai cũng đủ tiền mua manh áo liệm cho mình -
Cả vua, cả dân, anh lính quèn, ông tướng.
25
Tim đừng sợ đường đời không dễ.
Đã bước đi, muốn về, không thể.
Vì tim ơi, đừng sợ, dưới mồ
Tim được nghỉ lần đầu, có lẽ.
26
Sao trời bắt ta tham lam, bần tiện.
Tự nuôi béo để làm mồi cho kiến?
Và cứ thế, chúng ta không hiểu được ý trời.
Sống vô vị rồi xuống mồ vĩnh viễn.
27
Trời sinh tôi vừa vui vừa khổ.
Nhưng cũng chẳng khác thường này nọ -
Từ bụi mà thành như tất cả chúng ta,
Nhưng không nghĩa ngẫu nhiên mà có.
28
Đừng bịt chặt cả hai tai như thế.
Tôi cũng chịu cô đơn như thượng đế.
Người ta nói vì ngài, tôi không bạn, cô đơn.
Nhưng bạn tôi, xin thưa, là thượng đế.
29
Đúng, hạnh phúc là ngủ yên trong mộ.
Nhưng chật chội, cựa làm sao dưới đó?
Khi kiến cắn anh, anh biết chống cách nào?
Và rắn nữa, ôi trốn đâu? Rất khó!
30
Không cửa nhà, không bè bạn, Takhi biết đi đâu?
Chỉ một mình với buồn chán, Takhi biết đi đâu?
Lên trời ư? Trời nghe nói tốt hơn,
Nhưng nếu không và sẽ phản, Takhi biết đi đâu?
31
Tôi đã quen với buồn đau, ôi thượng đế.
Tôi chờ ngài, chờ từ lâu, ôi thượng đế.
Từ đời này phù du và xa lạ, bây giờ
Tôi gọi ngài, ngài ở đâu, ôi thượng đế?
32
Nghìn năm nay thảo nguyên vẫn ra hoa.
Nghìn năm nay núi vẫn xanh xa xa.
Núi, thảo nguyên không bao giờ thay đổi.
Chỉ sống chết đời này là chúng ta.
33
Tôi từng khoẻ, từng vững tin như hổ.
Không hề biết tử thần chờ đâu đó...
Vâng, một thời hổ sợ, chạy vì tôi.
Nay tôi trốn tử thần như trốn hổ.
34
Anh có thể quên em trong chia cắt?
Nô lệ khi yêu là tự do lớn nhất.
Nếu tim anh không giữ được hình em.
Thì cái đẹp, sự thảnh thơi, tim mất.
35
Hạnh phúc là ai cao hơn đời, trong sạch.
Không cầm bút, cũng không hề đọc sách.
Như Mếtnun xưa vào sa mạc ẩn mình.
Hay lên núi, sống chăn hươu, thanh bạch.
36
Đêm lại đến trong hoàng hôn lặng lẽ.
Lửa lại cháy trong tim tôi. Vì thế
Tôi sợ lửa tình yêu một cô gái người trần
Đốt niềm tin của tôi vào thượng đế.
37
Tôi là anh không cửa nhà, hàng họ.
Chưa một người từng thương tôi đói khổ.
Tôi lang thang trên các phố suốt ngày.
Chờ tối đến, ngủ dưới cầu đâu đó.
38
Tôi khổ ít hay sao, còn bị ngài hắt hủi?
Tôi và ngài đánh cờ, tôi thua, luôn gặp rủi.
Nào bày quân đánh lại, từ trên cao
Ngài thấy hết, tất nhiên, và làm tôi cháy túi.
39
Như đại bàng, tôi thường bay săn mồi.
Thế mà rồi, người bị bắt là tôi.
Anh săn thú? Tôi khuyên nên cẩn thận.
Kẻo bị săn, thú sẽ cười, than ôi.
40
Tôi có ba cái đau buồn một lúc:
Người yêu bỏ, sống xa quê, chịu nhục.
Chịu nhục, xa quê còn kham nổi - người yêu.
Người yêu bỏ, tôi tìm đâu hạnh phúc?
41
Ở đời này tôi cô độc, buồn đau.
Không mục đích, tôi lang thang từ lâu.
Nay gõ cửa nhà ngài, thưa thượng đế.
Nếu ngài đuổi, tôi còn biết đi đâu?
42
Đuôi tóc em là dây đàn trong anh.
Khóc chờ ngày em sẽ đến cùng anh.
Nhưng không yêu, ban ngày em chẳng đến.
Sao em đến trong giấc mơ của anh?
43
Anh đã sống ra sao, anh chẳng nhớ -
Cũng có thể có đôi ngày rực rỡ.
Gánh tình em quá nặng, khiến đời anh,
Anh cứ tưởng toàn đau buồn, lo sợ.
44
Tôi là người phải lang thang đây đó, nhưng vì sao?
Đã từ lâu tôi chịu nhiều đau khổ, nhưng vì sao?
Mọi người ai cũng biết cách cứu mình,
Tôi thì chịu bó tay mà than thở, nhưng vì sao?
45
Cái đau này tôi biết nói cùng ai?
Cái đen này tôi biết chỉ cho ai?
Khi mọi chuyện xấu xa về tôi ai cũng biết,
Bí mật này tôi biết kể với ai?
46
Ngài có nghe lời tôi, thưa thượng đế?
Lại vòng nữa trái đất quay lặng lẽ.
Chỉ mình tôi không thay đổi - Cuộc đời
Toàn đau khổ, cứ trôi qua như thế!...
47
Em sinh ra là bông hồng kiêu hãnh.
Anh - trên cát, lang thang trong gió lạnh.
Anh bước đi giữa sa mạc lần nào.
Cũng thấy em trước anh, như ảo ảnh.
48
Hạnh phúc là ai gánh đời không quá nặng.
Uống rượu, cười, vô tư, không lo lắng.
Nhìn các cô mặt đẹp tựa trăng rằm,
Và trong cốc, trăng soi, cười im lặng.
49
Lộng lẫy như cánh hoa chunpan - chỉ mình em.
Tuyệt vời như sách kinh Côran - chỉ mình em.
Em, bà chúa lòng anh, là tình yêu, hy vọng.
Một mình, một mình em anh cần - chỉ mình em.
50
Ôi người yêu của anh, anh gọi em.
Em không thưa, anh đâu dám trách em.
Vì trong vườn nhà em, người như anh không ít.
Không ít người như anh, mà em, chỉ mình em.
51
Như con hổ, cuộc đời xé xác tôi.
Còn thượng đế - trói hồn và tim tôi.
Xin thượng đế, riêng cuộc đời dưới đất
Đã quá thừa đau khổ, hãy tha tôi.
52
Thế mà gọi sống ư - đêm tối
Không một chỗ ngả lưng và bụng đói?
Một cái gáo trống không mà cũng gọi là đầu?
Đầu là gì mà gây bao tội lỗi?
53
Nếu trong vườn, cây trái nhiều, chín đỏ.
Và chủ nó phải thức lo giữ nó.
Thì cả khi cây mọc quả kim cương.
Cũng phải chặt ngay đi cho đỡ khổ.
54
Anh đón đường chờ em, lòng khấp khởi.
Cả hôm nay có thể em không tới.
Nhưng hãy coi chừng, sẽ có lúc thời gian
Bắt em nếm cái buồn đau chờ đợi.
55
Chính là mắt, không phải tim có lỗi.
Tim vì mắt mà buồn đau trăm nỗi.
Vì nếu tim thiếu mắt, bằng cách nào
Tim hiểu được em xinh và giả dối?
56
Hoa đẹp mắt chỉ một tuần, không hơn,
Hương ngây ngất chỉ một tuần, không hơn.
Và yêu chỉ là mơ, xin hãy quý từng ngày.
Mơ lâu nhất chỉ một tuần, không hơn.
57
Anh bảo tôi: "Hãy ngồi yên một chỗ.
Mùa xuân đến, thấy không, hoa nở rộ.
Sao phải đi?"... "Vì điều khiển chân tôi
Không phải tôi, mà hình như ai đó."
58
Tôi chẳng cần lâu đài cao, đồ sộ.
Tôi cứ say, cứ lang thang đâu đó.
Anh tốt ư? Xin cứ việc thành thần.
Tôi - con cháu của Ađam đau khổ.
59
Đôi mày em cong, như trong đêm
Lấp ló sau mây trăng lưỡi liềm.
Anh đi đâu cũng nghe khen em đẹp.
Nhưng có lời nào đủ khen em?
60
Như cây sậy, anh đau yếu và gầy.
Tiếng anh khóc làm màn đêm lung lay...
Cứ thế thời gian, thời gian trôi buồn bã.
Em không nghe, vì em đang ngủ say.
61
Sống vất vưởng, suốt đêm nằm tôi khóc.
Nhưng không kêu đời buồn và khó nhọc.
Kêu với ai? Ai mở hết lòng mình
Trước người khác - chỉ là điên hay ngốc.
62
Tôi nghèo tiền nên rất giàu lo sợ.
Trời đầu độc cuộc đời tôi vô cớ.
Trời bắt tôi mãn kiếp phải đau buồn.
Tôi chẳng hiểu vì sao mà than thở.
63
Trên nghĩa địa một chiều hè êm ả
Tôi dạo chơi, bỗng nghe từ dưới đá
Hai bộ xương tâm sự: Cuộc đời này
Không đáng giá một cọng rơm, cuống rạ.
SANAI
Tên đầy đủ của Sanai là Abdulmat Majdud ibn Sanai. Ông sinh năm 1070 ở Gazn và hầu như sống suốt đời ở đấy không đi đâu khác và được coi là nhà lý luận xuất sắc nhất về sufism đương thời. Ông mất năm 1141, hiện vẫn còn mộ và rất được nhân dân tôn kính. Thơ ông thiên về trữ tình triết lý, mang tính huyền bí, đặc biệt nổi tiếng với những bộ thơ lớn trường ca.
THƠ BỐN CÂU
* * *
Người có học thường đói nghèo, ngược lại,
Thằng ngu dốt cứ giàu lên, giàu mãi.
Nhưng thằng ngu có tiền lo mất tiền.
Người giàu chữ luôn suốt đời thông thái.
* * *
Ai mà chẳng buồn phiền - đâu chỉ mình em?
Ai cũng chết, tất nhiên - đâu chỉ mình em?
Tôi, thú thật, đời này không cần gì thêm nữa,
Khi tôi đã có em - chỉ một mình em!
THƠ TRỮ TÌNH
* * *
Đừng giao du với những kẻ thấp hèn,
Kẻo có ngày anh bị vấy bùn đen.
Kia, mặt trời vẫn thường ngày chói lọi,
Nhưng có lúc bị mây mù che tối.
* * *
Tôi gọi gió, nói với gió thế này:
“Gió hãy đưa cô gái ấy về đây.
Hãy bảo nàng người yêu nàng đang đợi,
Đang mòn mỏi mong chờ nàng sẽ tới,
Và rằng yêu đâu phải để xa nhau,
Lại không càng gây cho nhau buồn đau!”
VƯỜN CHÂN LÝ
(trích)
Bạn đã nghe câu chuyện nhỏ này chưa,
Chuyện một người góa phụ dám trách vua,
Lại chính vua Yamin Macmut,
Vốn hào phóng, nổi tiếng hiền như bụt.
Cách nói năng, cư xử của bà này
Khiến giật mình, vua phải cắn móng tay.
Số là ở quê bà, nơi xa cách,
Có tên quan rất tham lam, hống hách.
Hắn bày mưu cướp hết của bà già
Cả ruộng vườn, cả tiền bạc, lợn gà.
Giờ tôi kể các bạn nghe tường tận
Chuyện bà già tới gặp vua, kiện hắn.
Vâng, bà đến gặp vua chốn kinh thành,
Kể vua nghe mọi oan trái của mình.
Từ trên ngai vua nghe xong, tức giận,
Sai viết lệnh để vua trừng trị hắn.
“Bà hãy mang lệnh này về, hắn ta
Phải trả ngay những gì cướp của bà!"
Khi nhận lệnh, tên quan kia không sợ.
Hắn thầm nghĩ: "Nơi này xa, cách trở,
Vua biết gì, con mụ ấy đành thua,
Chắc lần này không quay lại tìm vua".
Thế là hắn, coi thường vua, gian trá
Không trả lại ruộng vườn cho bà góa.
Nhưng bà kia, lại lần nữa lên kinh
Tới gặp vua, nói hết chuyện của mình.
Vua tức giận mắng tên quan láo xược,
Định viết lệnh đưa cho bà như trước.
Bà già kia, vốn bạo dạn xưa nay,
Khi nghe thế, liền đáp lại thế này:
"Dạ, xin thưa, lệnh của vua vĩ đại
Nhưng thực chất chỉ là tờ giấy loại.
Quan không nghe, vẫn tiếp tục hại dân.
Lệnh như thế, thưa vua, con không cần!"
Vua Macmut, dẫu từ tâm, chín chắn,
Khi nghe thế cũng lấy làm tức giận.
Ngài định sai quân lính đánh bà già,
Chợt giật mình nghĩ lại, thấy bà ta
Đã nói đúng: Chủ thông minh, đầy tớ
Không nghe chủ, thì tức là chủ dở.
CHUYỆN VUA MACMUT VÀ BÀ GIÀ
Vua Macmut anh minh, mới đầu xuân,
Cùng tùy tùng đang cưỡi ngựa đi săn,
Thì bỗng gặp một bà già bé nhỏ
Với khuôn mặt nhăn nheo vì đói khổ.
Bà già ấy đứng rụt rè bên đường
Như muốn ngài giúp đỡ, rủ lòng thương.
Vua thấy vậy, bèn cho dừng lại hỏi:
“Bà có gì không vui ư? Hãy nói.
Ta là vua, yêu công lý, giờ bà,
Có chuyện gì cứ nói thẳng với ta!”
Bà già đáp: “Tôi già nua, đói rét,
Nhờ hàng xóm nên đến giờ chưa chết.
Tôi có hai con gái, một con trai.
Cha chúng nó chết rồi, vì thiên tai.
Nay tôi sống bằng làm thuê, cúi nhặt
Từng bông lúa vương rơi sau vụ gặt.
Tôi là thế mà các quan ở đây
Còn ăn cướp và đánh đập hàng ngày.
Như tháng trước, tôi làm thuê cả tháng,
Làm quần quật hàng ngày từ rạng sáng
Để được cho một thùng nhỏ nho tươi.
Thế mà khi mang về nhà, mấy người
Trong đội lính của nhà vua chặn lại
Và lấy hết, không chừa tôi một trái.
Tôi kêu khóc, tôi chống cự, than ôi,
Một thằng lính cầm cây gậy đánh tôi.
Một thằng khác bảo rằng tôi muốn sống
Thì lẳng lặng đi về nhà, câm họng.
Đấy, vua xem, chúng là lính của ngài,
Ở nơi này tôi còn biết kêu ai?
Ngài bắt nói thì giờ tôi đã nói.”
Macmut nghe, đứng lặng người bối rối.
“Vua làm gì, đất nước rộng làm gì?
Thật đau buồn, - ngài nghĩ bụng, - một khi
Lính của ta là cướp ngày như vậy,
Cướp người nghèo và đáng thương nhường ấy!”
Rồi ngài nói: “Ta xin lỗi, đừng lo.
Giờ muốn gì, bà cứ nói, ta cho”.
Bà già đáp: “Cảm ơn vua hào hiệp.
Nhưng thậm chí vua cho - bà nói tiếp -
Cả ngai vua, thì thử hỏi điều này
Có làm tôi và đất nước từ nay
Đỡ khổ hơn, không còn lo bóc lột
Và lính vua, và quan vua sẽ tốt?”
KHOSROW
Abu Muni Nasir Khosrow sinh năm 1004 ở làng Kabađian, thuộc Tatgikistan ngày nay. Ông được hưởng thụ một nền học vấn cao và toàn diện từ nhỏ, từng được bổ làm các chức quan khác nhau, nhưng ông cũng sớm đam mê văn học và tranh thủ làm thơ lúc rảnh rỗi. Ông nhiều lần tới Ấn Độ và châu Phi, là điều giúp nhà thơ mở rộng tầm nhìn và tiếp thu nhiều tư tưởng tiến bộ. Vì thế cuối đời ông bị chính quyền truy bức, phải về sống ẩn ở Umran và mất ở đó năm 1088 trong cảnh bần hàn.
Ông là tác giả một khối lượng lớn những bài thơ trữ tình hazel và các bộ trường ca dài mang tính sử thi và giáo huấn.
THƠ HAI CÂU
* * *
Anh không biết thì lặng im mà nghe,
Đừng nhận xét, kẻo mọi người cười chê.
* * *
Nếu không muốn phải nghe lời độc ác,
Thì trước hết đừng gièm pha người khác.
* * *
Ai huênh hoang khoe mình hơn người,
Sẽ có lúc phải hối hận suốt đời.
* * *
Ai thời trẻ ham chơi, lười học,
Sau có cái để buồn và khóc.
* * *
Nói và làm phải đi với nhau.
Đừng cái kiểu vàng mạ đồng thau.
* * *
Người ta ác, mình không ác lại.
Bác cái sai chỉ bằng lẽ phải.
* * *
Trong thông minh đã có sự giàu.
Nhưng ngược lại thì không, còn lâu.
* * *
Kiến thức hơn áo đẹp, tất nhiên,
Chí ít vì áo mua bằng tiền.
* * *
Người thực tốt trong lòng luôn sáng.
Đừng để ý vẻ ngoài bóng nhoáng.
* * *
Một người ngu, cái gì cũng hài lòng,
Có thể gọi là hạnh phúc được không?
* * *
Nếu được sinh làm người, đừng làm sói.
Người cao cả không làm điều tội lỗi.
* * *
Lời của anh như vàng, cân thật kỹ.
Đừng bạ đâu cũng nói lời nhảm nhí.
* * *
Ai biết nghe lẽ phải, thông minh,
Sẽ tìm thấy hạnh phúc của mình.
* * *
Việc khó mấy, học rồi cũng làm xong.
Khó là ngồi đọc sách, không nản lòng.
* * *
Đánh giá người qua lòng đức độ,
Chứ không qua áo quần của họ.
* * *
Chỉ có nhờ học vấn mà anh
Cao hơn hẳn người ngồi xung quanh.
* * *
Hãy cúi đầu học người thông minh.
Anh hạ mình là để nâng mình.
* * *
Đời, thực chất là công trường lao động.
Anh vô công, nghĩa là là anh chưa sống.
* * *
Thiếu học vấn và thiếu óc thông minh,
Thì dù giàu, vẫn là thằng cùng đinh.
* * *
Anh ngu dốt, nghĩa là trời bắt tội.
Không thể nói: Tôi không hề có lỗi!
* * *
Học nói hay không khó, miễn là anh
Học im lặng để nghe người xung quanh.
* * *
Điều nghe được chưa hẳn đáng tin
Bằng những cái tự mắt ta nhìn.
THƠ BỐN CÂU
* * *
Các giáo sĩ ngày ăn chay, tung kinh,
Nhưng tối đến lại rượu thịt linh đình
Và trở thành các muffi vĩ đại
Nhờ cái tài đạo đức giả đáng khinh.
* * *
Từ bục giảng, trước đám đông ngô nghê,
Họ thuyết giảng về thiên đường no nê.
Nên chẳng lạ, đám đông tin - cừu đói
Biết được ăn, thường vẫn kêu be be.
* * *
Đời là biển, và anh là con ốc.
Nếu anh biết nâng mình bằng sự học,
Tâm hồn anh, như hạt cát nhỏ nhoi,
Sẽ có lúc tự biến thành hạt ngọc.
* * *
Nếu anh muốn mọc thành cây tươi xanh,
Thì hãy chăm hạt giống có trong anh.
Hãy tưới nó hàng ngày bằng sự học -
Giống, thiếu nước, không đâm chồi, mọc cành.
BỌN CHO VAY NẶNG LÃI
Hãy “thương xót” phường cho vay nặng lãi:
Chúng giàu có mà luôn luôn sợ hãi.
Nhà chúng to, đầy châu báu, bạc vàng
Nhưng thực chất là địa ngục kinh hoàng.
Trước con mắt của những người tử tế
Chúng đáng ghét, không bằng con chó ghẻ.
Chúng xưa nay chỉ biết đến đồng tiền,
Không ngại ngần bóp cổ đám dân đen.
Trời hại chúng - ngay khi thằng bố chết
Là con chúng đem gia tài tiêu hết.
Bố ki cóp, nhặt từng đồng lâu nay
Giờ thằng con tiêu phá chỉ mấy ngày.
Thà chết khát, đừng uống cùng chúng nó.
Mỗi giọt rượu đều nhuốm màu máu đỏ.
Chúng bẩn thỉu, đáng khinh, sống ở đời
Đến thần chết cũng ngại chạm lên người.
Dưới địa ngục, trong lo thiêu lửa cháy,
Chúng bị quỉ bỏ quên, nằm tận đáy.
ĐÔI ĐIỀU VỀ VUA QUAN
Xin nói qua đôi điều ai cũng biết,
Về vua quan chúng ta, toàn đang ghét.
Mỗi khi vua mở tiệc lớn, tất nhiên,
Dân trong nước lại è cổ đóng tiền.
Khi dự tiệc, các quan to oai vệ
Trước mặt vua xun xoe như nô lệ.
Kẻ khom lưng khúm núm, mặt cầu tài.
Kẻ cúi đầu, rụt cổ, cụp hai tai.
Nếu sáng dậy bỗng dưng vua khó ở,
Cả triều đình mặt tái xanh vì sợ.
Bản thân vua, tên bạo chúa, ngu đần,
Không biết gì ngoài cướp bóc thần dân.
Nếu đức chúa Giê-su mà sống lại,
Vua cũng sai đóng đinh không ngần ngại.
Nhưng con lừa của đức chúa thì không,
Vua cần thịt, nên ôm nó vào lòng.
THỢ THỦ CÔNG
Không ai sướng như người thợ thủ công.
Sống tự do, tự mình thấy hài lòng.
Không chủ nô, mà cũng không nô lệ.
Ngày làm việc, tối về nhà vui vẻ.
Dẫu không phải lúc nào cũng đủ ăn,
Nhưng họ vui, làm cái mọi người cần.
Họ kéo tơ, nung bình, rèn, may vá.
Không hề muốn, không làm điều xảo trá.
Sống chân thật, thích vui đùa, luôn tay
Họ làm việc cần cù ngày lại ngày.
Được cả trời và mọi người mến mộ,
Chính đức vua cũng cần hàng của họ.
NGƯỜI NÔNG DÂN
Nhưng cái nghề thủ công kia rất cần
Cũng vô nghĩa nếu thiếu người nông dân.
Không nghề nào quan trọng hơn cày cấy,
Nghề của chính Ađam xưa, đúng vậy.
Người nông dân bắt cây cối nở hoa,
Đem cái ăn cho tất cả mọi nhà.
Họ cày ruộng, làm vườn, thuần thú vật,
Không cái gì không làm ra từ đất.
Trên thế giới, suốt hàng triệu năm nay
Quả không gì cao quí hơn nghề này.
Và chúng ta, dù là ai, hãy biết:
Không có người nông dân, ta sẽ chết.
LÒNG THAM VÀ THÓI XẤU
Bằng lòng tham, anh đang trói chân mình.
Hãy vứt nó, hãy làm người thông minh.
Của người khác, dẫu nhỏ nhoi, bé tí,
Đừng thèm muốn, đừng có nhìn ghen tị.
Cả những ai nổi tiếng, giỏi, hơn người
Cũng vì tham mà hại mình suốt đời.
Ai ghen tị, tham lam, nhìn sẽ biết,
Da và mắt ủng vàng như xác chết.
Chính lòng tham là kẻ thù của anh,
Phải cảnh giác để mình chống lại mình.
Kẻ tham lam không bao giờ hạnh phúc.
Thà nhìn đói hơn tham, mang tiếng nhục.
LỜI NÓI
Cái miệng đẹp trên mặt người, bé nhỏ,
Mọi tai họa đều nảy sinh từ nó.
Lời nói sai hay ác ý buột ra
Có thể gây rất lắm chuyện phiền hà.
Chưa chắc tốt cả khi lời nói thẳng.
Nên tốt nhất ta chỉ nghe, im lặng.
Còn một khi không thể im, xin anh
Hãy cân nhắc, nói những điều tốt lành.
Nhất là nói lời yêu thương, tán thưởng.
Đó là vàng và làm anh cao thượng.
ĐẠI BÀNG VÀ MŨI TÊN
LÀM BẰNG LÔNG ĐẠI BÀNG
Một lần nọ, đại bàng bay tìm mồi,
Dang rộng cánh, bay khắp núi, khắp đồi.
Từ độ cao lâng lâng, nhìn xuống đất,
Nó bỗng thấy lòng xốn xang, ngây ngất.
"Cả thế giới đang nằm dưới chân ta.
Ta là chúa các loài chim gần xa.
Ai sánh nổi cùng ta về sức mạnh,
Về bay xa, bay cao và sải cánh?"
Trong lúc ấy, đang tự mình khoe mình
Một thợ săn nhìn thấy nó, đừng rình,
Rồi bất chợt một mũi tên nho nhỏ
Lao vút lên, cắm ngay vào người nó.
Từ trên cao rơi xuống đất, sững sờ,
Nó đưa mắt nhìn quanh, chợt bất ngờ
Thấy mũi tên bắn nó rơi, khốn khổ,
Lại được làm bằng chính lông của nó.
Thế mới biết, cũng là chuyện thường tình,
Rằng chính ta nhiều khi mình hại mình.
DÂY BẦU VÀ CÂY ĐA
Có dây bầu mọc bên gốc cây đa,
Rồi bám thân leo lên mãi, thế là
Chỉ trong vòng hai mươi ngày sau đó
Nó nhoi cao hơn cây đa đồ sộ.
Từ độ cao rất cao kia, dây bầu
Chiêm ngưỡng mình, nhìn bốn phía hồi lâu.
Nó lên tiếng hỏi cây đa già cỗi:
"Này anh bạn, năm nay bao nhiêu tuổi?"
"Ta đã sống hai trăm năm có lẻ."
"Hai trăm năm mà anh sao lùn thế?
Hãy nhìn tôi, mới sống hai mươi ngày
Đã mọc tốt, cao hơn anh thế này!"
Dây bầu nói, nhìn cây đa đắc thắng,
Còn cây đa vẫn thản nhiên im lặng.
Vì nó biết sẽ chẳng còn bao lâu
Mùa đông đến, gặp giá lạnh, dây bầu
Sẽ lụi chết. Và chết theo cùng nó
Là những lời khoe khoang ngu ngốc nọ.
OMAR KHAYYAM
Ôma Khayyam sinh năm 1040 ở thành phố Nissapurê (miền đông Iran ngày nay), lớn lên nổi tiếng khắp cả vùng Trung Á rộng lớn như một nhà triết học, toán học, thiên văn học kiệt xuất của thời đại. Ông được vua chúa nhiều nước mời đến triều đình làm việc, là tác giả một loạt tác phẩm quan trọng về vật lý và toán học. Cuộc đời ông đầy những năm tháng lưu lạc và gian khổ. Ông đi nhiều, lang thang hết nước này đến nước khác, cuối cùng trở về thành phố quê hương và mất ở đó vào năm 1112. Hiện nay vẫn còn giữ được lăng mộ của ông ở Nisapurê.
Ôma Khayyam chỉ viết thơ trong những phút rảnh rỗi và buồn chán. So với các công trình khoa học, di sản 450 bài bốn câu (rubai) của ông không lớn. Cho mãi tới thế kỷ 19, khi chưa được người châu Âu “phát hiện”, ông hầu như chỉ được biết đến như một nhà khoa học. Sau sự phát hiện đó, nghĩa là sau bản dịch tiếng Anh 75 bài của Fitzgerald (1809 - 1883) năm 1859, ông “đột nhiên” trở thành nhà thơ nước ngoài được ưa thích nhất ở châu Âu và châu Mỹ. Lúc ấy đã xuất hiện, có nơi còn giữ đến ngày nay, nhiều quán rượu và câu lạc bộ say mang tên ông. Số thứ tự các bài do người dịch đặt.
1
Tôi đã đi nhiều nơi, và nhiều điều tôi thấy,
Tôi cứ tưởng rằng tôi biết rất nhiều, tuy vậy,
Tôi chỉ biết rằng tôi không biết một điều gì -
Cái sự thật cuối cùng tôi tìm ra thế đấy.
2
Tôi quần quật quanh năm như một thằng nô lệ.
Cái trường học cuộc đời với tôi không phải dễ.
Mà cuộc - sống - người - thầy nghiêm khắc quá, thành ra
Nay tóc bạc, than ôi, tôi vẫn anh trò bé.
3
Trước mắt tôi là cuộc đời đau khổ,
Là bầy người đang tranh nhau xuống mộ,
Là vua chúa uy nghiêm, là mỹ nữ tuyệt vời
Đang làm mồi cho giun ăn dưới cỏ.
4
Tôi bỗng nghe tiếng đất kêu thảm thiết
Dưới chân anh thợ vắt bình mỏi mệt:
"Ôi chớ dẫm lên tôi, vì chỉ mới hôm qua,
Mới hôm qua tôi là người chưa chết"
5
Bởi cái chết đời này không thể ai gia hạn,
Bởi thượng đế bắt ta phải lo âu, buồn chán,
Bởi đời này tất cả rất mong manh,
Thì thử hỏi cần gì phải khóc than, các bạn?
6
Sà vào đĩa người ta là xấu hổ.
Đừng như nhặng tham ăn mà mạng bỏ.
Khayam tôi thà nhìn đói còn hơn
Để thằng đểu hắn cho ăn như chó!
7
Ai cũng biết là Khayam già yếu,
Ai cũng biết là Khayam nghiện rượu,
Nhưng chẳng ai hay chính nhờ rượu, Khayam
Mới thắng nổi cái buồn và cái yếu.
8
Khi đang tỉnh, như cua, tôi cứng đờ, gượng gạo.
Nhưng khi say đầu óc tôi không tỉnh táo,
Nên khoảng cách thiên thần giữa tỉnh và say
Là cái đích tôi tôn thờ, tôi mộng ảo.
9
Tất cả hoa đời này cho anh đang nở rộ.
Nhưng đừng tin hoa nào - tất cả là cám dỗ.
Anh cứ việc hái hoa, nhưng nên nhớ sau này
Người ta cũng hái anh vào một ngày nào đó.
10
Ngôi nhà cuộc đời Ra - Vào hai cửa rộng.
Ngôi nhà đầy buồn, đầy lo mà trống rỗng.
Hạnh phúc ư? Chỉ một phút, ích gì .
Hạnh phúc là người không sinh ra, không sống!
11
Công việc chẳng ra sao, quả đời tôi không dễ.
Không yên tĩnh tâm hồn, không lâu đài tráng lệ.
Chỉ bất hạnh, lo âu là được phép tha hồ...
Thì tôi cũng cảm ơn đức Alla vì thế.
12
Liệu thằng tôi phải còng lưng bao lâu?
Đến bao giờ tôi được nghỉ, bao lâu?
Tôi thở dài hỏi mình, nhưng khốn nỗi
Tôi đang còn được thở dài bao lâu?
13
Đừng thấy sang mà ghen, đừng thấy vàng mà hám.
Trời rực rỡ bình minh, nhưng hoàng hôn sẽ xạm.
Với cuộc đời này ngắn ngủi, phù hoa,
Hãy bình tĩnh mà xem như món hàng mượn tạm.
14
Bỏ nhà thờ, anh em, ta vào quán.
Trước ông chủ ta cầu kinh không nản.
Cuộc sống ta, ta để mất ở nhà thờ,
Giờ lại thấy trong cốc này, các bạn.
15
Ở đời này khi say là tốt nhất.
Nghe cô gái hát hay là tốt nhất.
Và tốt nhất là người được suy nghĩ tự do,
Bao điều cấm không hay là tốt nhất.
16
Hãy coi chừng các cô mắt long lanh, má đỏ,
Vì cái đẹp, tình yêu; hai ngọn nguồn đau khổ.
Cái đẹp, tình yêu không vĩnh cửu, lâu bền,
Đến bắt anh buồn đau rồi bay đi theo gió.
17
Thằng nghèo tưởng mình là vua, khi say.
Con gà tưởng mình là công, khi say.
Và khi say người già thấy mình trẻ lại,
Người trẻ thông minh như người già, khi say.
18
Ta, bầy rối dễ thương, bé nhỏ
Cho thượng đế dật dây, thế đó,
Thượng đế đưa ta lên sân khấu cuộc đời,
Và diễn xong, lại đá ta vào xó.
19
Hạnh phúc là cái gì? Chẳng là gì, đúng thế.
Chết, anh để lại gì? Chẳng để gì, đúng thế.
Tôi đã sống say sưa, tất cả tưởng của mình,
Nhưng nhìn kỹ hóa ra chẳng có gì, đúng thế.
20
Anh chàng kia cứ luôn miệng: Tôi đậy!
Đồng tiền vàng kêu xủng xoẻng: Tôi đây!
Nhưng chưa kịp làm gì, anh chàng kia đã thấy
Thần chết chờ bên cửa sổ: Tôi đây!
21
Trên đời này anh thông minh, lỗi lạc? Thì đã sao!
Và luôn luôn làm gương cho người khác? Thì đã sao!
Trên đời này anh định sống một trăm năm?
Và nhất định phải lâu hơn người khác? Thì đã sao!
22
Cả vương quốc Trung Hoa, cốc rượu này đáng giá.
Cả vườn tiên đầy hoa cốc rượu này đáng giá.
Cay đắng tất nhiên là mùi vị cốc này,
Nhưng tuy thế còn hơn bao ngọt ngào xảo trá.
23
Đừng cầu xin tình yêu khi anh yêu tha thiết.
Đừng đến nhà người yêu khi anh yêu tha thiết.
Cứ bơ đi, bơ đi, như anh chẳng cần gì.
Có làm thế người yêu mới yêu anh tha thiết.
24
Địa ngục, thiên đường đều trên trời - nghe bảo thế.
Nhưng, ngẫm soi mình, tôi lại cho -hông hẳn thế.
Địa ngục, thiên đường không phải ở đâu đâu,
Mà ở hai phần trái tim ta, vâng quả thế.
25
Nếu gặp may, anh giàu và mạnh nhất,
Đủ can đảm đấu tranh cho sự thật,
Thì cũng xin chớ trách giận những người
Vì sự thật, không muốn đầu bị mất.
26
Cầm chiếc bình trên tay, tôi khoái trá
Cười, giơ cao, ném tung vào tảng đá.
"Này, đừng quên, - bình nói, - một ngày kia
Rồi người ta cũng ném anh vào đá!"
27
Thà uống rượu cho tiêu tan mệt mỏi,
Hơn buồn đau nhớ ngày xưa chói lọi.
Khi không say anh tự trói lòng mình,
Nhưng chén rượu sẽ giúp anh cởi trói.
28
Là ảo ảnh - cuộc đời, nhưng phải vui mà sống.
Trong rượu và ăn chơi, vâng phải vui và sống.
Anh chỉ sống một giây rồi sẽ chết, nhưng anh
Dù chỉ một giây thôi, cũng phải vui mà sống.
29
Giữa quỉ sứ và thiên thần - chỉ một giây ngắn ngủi.
Giữa kết thúc và bắt đầu - chỉ một giây ngắn ngủi.
Nhưng hãy quí giây kia ngắn ngủi, giữ cho mình,
Vì cuộc đời trước sau chỉ một giây ngắn ngủi.
30
Đau khổ cần cho óc và tim
Như muốn sáng, ngọc cần bóng đêm.
Anh buồn đau, và lòng anh trống rỗng?
Nhưng lòng anh đầy lại, rồi anh xem.
31
Một hiền triết bảo tôi khi tôi ngủ:
"Hạnh phúc trong mơ chưa ai hay, thôi đủ!
Ngủ là chết khác gì, thôi hãy dậy, Khayam.
Sau khi chết tha hồ anh sẽ ngủ!"
32
Giữa sa mạc cuộc đời anh trần truồng lê bước,
Thế mà anh còn kiêu, quả là anh hài hước.
Mỗi bước anh đi anh tính toán kỹ càng,
Nhưng mỗi bước anh đi trời từ lâu định trước.
33
Bí mật cuộc đời tôi và anh không biết.
Chỉ biết rượu và tình yêu bất diệt.
Thế giới ra sao thì cũng thế mà thôi,
Vì trước sau tôi và anh cũng chết.
34
Từ địa ngục, thiên đường, xưa nay và mãi mãi
Chưa có ai chết rồi đã một lần quay lại
Anh có tội hay không, nghèo đói cũng như giàu.
Bỏ thế giới này đi đừng mong ngày trở lại.
35
Tim biến ta từ lâu thành nô lệ.
Gánh buồn đau trên vai ta lớn thế.
Thử hỏi ta sinh, ta sống để làm gì,
Khi dù muốn, đổi đời ta chẳng thế?
36
Cả những người thông minh và tiếng tăm đến thế
Mà bóng tối xung quanh muốn đuổi đi - không thể.
Đêm họ kể ta nghe bao chuyện lạ trên đời,
Xong rồi lại lên giường như chúng ta, cũng thế.
37
Không thiên đường, không địa ngục - Ôi trái tim của tôi!
Không đau buồn, không hạnh phúc - Ôi trái tim của tôi!
Đừng hy vọng, đừng chờ mong - Ôi trái tim của tôi!
Đừng lo âu, đừng nhẫn nhục - Ôi trái tim của tôi!
38
Cuốn sách đời tôi trang cuối cùng đã lật.
Chỉ sót lại nỗi buồn của những ngày vui nhất.
Như con chim, tuổi trẻ đến lúc nào,
Và không biết lúc nào, đã lại vù bay mất.
39
Chúng ta chết, than ôi, công danh không để lại.
Mà trái đất cứ quay và còn quay mãi mãi.
Trước đã chẳng có ta, rồi cũng thế sau này.
Đời chẳng tốt, tồi thêm vì chúng ta tồn tại.
40
Sáng ngủ dậy hoa hồng tôi ửng đỏ.
Hoa hồng tôi đang nở tròn trước gió,
Nhưng than ôi, vừa mới nở, hoa tàn -
Trời độc ác bắt hoa tôi thế đó.
41
Anh có biết về gì gà đang gáy?
Hay gà kêu: Người chết rồi không dậy?
Thêm một đêm không trở lại, đã qua,
Anh thì ngủ, không quan tâm điều ấy?
42
Ôi, thượng đế, tôi chán rồi cái đói,
Tôi chán rồi bao hão huyền mong mỏi.
Hãy cho tôi cuộc sống khác tốt hơn,
Nếu thượng đế toàn năng như vẫn nói.
43
Chúng ta sống lẽ nào đê tiện thế,
Cho dục vọng suốt đời là nô lệ?
Thử hỏi xưa nay ai mong ước của mình
Thỏa mãn hết mọi điều lớn bé?
44
Là nguyên nhân mọi đau buồn vui sướng,
Tốt rồi tối, rồi đê hèn, độ lượng -
Con người ta đa dạng giống như đời,
Khi quá nhỏ, khi lớn không thể tưởng.
45
Tôi với anh là mồi, và đời là cái bẫy,
Ai biết vì sao đuổi lùng ta như vậy.
Đời gây nên bao cái xấu trên đời,
Rồi đổ lỗi cho chúng ta làm bậy!
46
Khi cung điện, bạc vàng, bao cái hay, cái dễ
Ngài đem cho thằng ngu, thằng hại đời như thế,
Và bắt kẻ ngay hiền phải nô lệ kiếm ăn.
Thì công lý của ngài, tôi đếch cần, thượng đế.
47
Nếu cứ vậy suốt đời anh chỉ tìm lạc thú.
Lo rượu, gái, vui chơi, lo tiền tài có đủ,
Thì tất cả trước sau anh cũng bỏ mà thôi.
Vì đời là giấc mơ - đến bao giờ anh định ngủ?
48
Kìa mây đen lại đang rơi nước mắt!
Khi không say nhìn cảnh này buồn thật.
Vì hôm nay tôi trên cỏ nằm chơi,
Nhưng ngày mai tôi đã nằm dưới đất.
49
Hãy tìm rượu, quẳng sách kinh ở đấy.
Chân lý nhà chùa trong cốc này mới thấy.
Sư không ôm nổi váy đời mình,
Thì hãy lại ôm váy nàng kia vậy.
50
Tìm rượu ngon, tìm cái vui, cái lạ,
Tôi bỗng thấy bông hồng khô trong lá.
"Ôi hoa ơi, sao nông nỗi thế này?"
"Vì trước kia tôi say và vui quá".
51
"Ôi vì sao - hoa hồng kêu trong máy, -
Nỡ ép tôi thành dầu thơm như vậy?"
"Thành nước mắt suốt đời - Họa mi nói cùng hoa -
Là cái giá một ngày ngươi vui đấy!"
52
Giữa vườn hoa, người yêu, ly rượu nhỏ -
Là thiên đường xưa nay tôi muốn có.
Khi chưa ai được hưởng thú trên trời,
Thì vui tạm dưới này, trên bãi cỏ.
53
Xem cây thông lưỡi nhiều như vậy
Mà đứng im - phải khen thông điều ấy.
Còn anh kia, chỉ một lưỡi mà thôi,
Mà lắm mồm - kể điều này nên thấy.
54
Số mệnh đuổi, cuộc đời ngắn ngủi đã trôi qua.
Hờ hững, hững hờ như ngọn khói, đã trôi qua.
Dù hạnh phúc chưa hay và đau khổ chịu nhiều,
Tôi vẫn tiếc cuộc đời ngắn ngủi đã trôi qua.
55
Sau cơn mưa, hoa hồng chưa khô.
Trong tim tôi nhiệt tình chưa khô.
Đóng quán sớm làm gì, ông chủ,
Nắng còn vương trên kính, chưa khô.
56
Chỉ là bóng những gì anh đang thấy.
Chỉ cái vỏ bề ngoài anh đang thấy.
Không ai thấy phần trong, đừng cố thấy làm gì.
Hãy ngồi xuống mà uống bia đi vậy.
57
Tôi uống rượu không phải vì thích uống,
Cũng chẳng phải để tìm vui tôi uống.
Tôi uống vì nay tất cả trên đời
Tôi muốn quên, để giải sầu tôi uống.
58
Như tuột khỏi lưỡi câu, đời bỗng vụt trôi qua.
Như trong một đêm say, đời ảm đạm trôi qua.
Mỗi giây phút cuộc đời lâu ngang bằng sáng thế,
Như cát qua kẽ tay, đời lặng lẽ trôi qua.
59
Nếu anh có giữa đời này chó má
Một miếng bánh, một túp lều lợp rạ.
Và anh chẳng hầu ai, không ai phải hầu mình,
Thì chắc chắn đời anh vui hơn cả.
60
Cứ la cà hết quán này, quán nọ,
Suốt đời say, tự do như ngọn gió.
Hãy cầm dao đứng đón dọc đường,
Cướp thằng giàu mà chia cho kẻ khó.
61
Nếu thằng tôi mà là thượng đế,
Thì đời này tôi quyết không để thế.
Đời khác tốt hơn tôi dựng mới hoàn toàn,
Và chỉ quý những người ngay, tử tế.
62
Tôi yêu hoa hồng bằng tình yêu của tôi,
Tôi tưới hoa hồng bằng nước mắt, mồ hôi,
Khi hoa nở, người hái hoa, ôi thượng đế,
Sao là ai mà không bao giờ tôi?
63
Trái tim là anh mù, luôn chui đầu vào bẫy,
Để cám dỗ gạt lừa, để thiên thần xúi bậy.
Trong nhà thờ làm lính mới không vui,
Thà ra quán, Khayam, mà làm vua ở đấy.
64
Trước cám dỗ tầm thường tôi mãi là nô lệ, than ôi!
Và hối hận rất nhiều để đời trôi như thế, than ôi!
Cả khi được thánh thần tha tội chết, chắc tôi
Vẫn xấu hổ, trước thánh thần, có lẽ, than ôi!
65
Vào đời này tôi như chim sa bẫy,
Đầy buồn lo và đau thương như vậy.
Trong lồng nhỏ cuộc đời nơi không có đường ra,
Ta lạc vào mà không hay điều ấy.
66
Người thông minh không tham tiền, liêm khiết,
Nhưng thông minh mà không tiền cũng mệt:
Bông hồng giàu trong tủ kính đẹp sao,
Bông lau nghèo bên ao đang lụi chết.
67
Tôi muốn quên người yêu nay phụ bạc.
Tôi muốn quên để được yêu người khác,
Nhưng nước mắt than ôi, không muốn thế, cứ trào,
Như muốn che không cho nhìn người khác.
68
Này anh ngốc, anh đang sa vào bẫy
Của cuộc đời rất phù hoa, tôi thấy.
Anh đi đâu vội thế? Hãy cho tôi
Một cốc rượu rồi đường anh, anh cứ chạy.
69
Anh nổi danh - người ta chê nhìn đời nửa mắt.
Anh hiền từ - người ta chê giả vờ chân thật.
Nên theo tôi, không ai biết đến mình,
Và mình chẳng biết ai là tốt nhất.
70
Không sợ chết, không trách đời khổ quá,
Không hy vọng lên thiên đường xa lạ.
Tâm hồn tôi, tôi mượn tạm Alla,
Hết hạn mượn, yên tâm, tôi sẽ trả!
71
Trước mặt mọi người anh làm tôi phải bẽ.
Anh gọi tôi thằng say và mắng tôi thậm tệ.
Được, không sao, tôi có thể nghe anh,
Nhưng anh xứng hay chưa để gọi tôi như thế?
72
Mày là đĩ rất đáng khinh - vua nói.
Con đĩ đáp: thưa vâng, tôi chẳng chối,
Nhưng vua hãy làm ơn ngắm lại chính mình,
Xem có đúng như bắt tôi phải gọi?
73
Hãy coi chừng đôi bàn tay số phận.
Kiếm thời gian đang treo kia, cẩn thận.
Khi cuộc đời đút kẹo ngọt cho anh -
Có thuốc độc, đừng ăn! Luôn cẩn thận!
74
Anh được chọn làm người trong cuộc sống.
Làm cha cố - hẹp hòi, làm quan tòa - trống rỗng.
Tôi khuyên anh chỉ mỗi một điều này:
Ai cũng được, nhưng tấm lòng phải rộng.
75
Ơ đời này nhiều tai ương nghiệp chướng,
Tôi cầu trời hãy ban ơn, độ lượng,
Trời không nghe, chỉ quý những thằng ngu,
Nhưng tôi đâu thông minh như trời tưởng!
76
Người là một mớ điều mâu thuẫn nhất:
Tay cốc rượu, tay sách kinh nắm chặt.
Và cứ thế yên tâm, ta sống chẳng hay mình
Nửa ngoan đạo, nửa coi khinh trời phật.
77
Ta từ đâu, đi đâu, không ai biết.
Ta sống để làm gì? Không ai biết.
Ôi xưa bay bao kẻ cháy thành tro,
Và ngọn khói bay đâu - không ai biết.
78
Trong hư ảo đời này bao lâu tôi phải bước?
Đến bao giờ tôi thôi không làm anh hài hước?
Tôi chán lắm rồi cái cặn bã nhà ngươi,
Như cặn rượu cốc kia, ước gì tôi đổ được!
79
Tôi chỉ cần tình yêu, chứ không cần tôn giáo, ồ không.
Tôi là anh thường dân, không vua quan, trượng lão, không.
Và mảnh giẻ che thân tôi đang khoác lên người
Không phải lụa, không uy nghi quần áo, ồ không.
80
Trên đời này ai là không có lỗi?
Ta sinh ra để gây bao thứ tội.
Thượng đế tất nhiên bắt tội lại chúng mình,
Nên thượng đế khác gì ta mà nói!
81
Ta không thể ngăn thời gian, không thể, cả anh và tôi.
Và cũng chết như nhau thôi, cũng thế, cả anh và tôi.
Nhưng khi ta nâng cốc rượu, tức là
Chân lý ở trong tay ta, quả thế - cả anh và tôi.
82
Dù bị cấm, rượu ngon là cám dỗ.
Được người yêu đưa cho - càng cám dỗ.
Cả thế gian là quán rượu đắt hàng,
Gì bị cấm, xưa nay đều cám dỗ.
83
Anh thất tình và rồi anh buồn đau? Cứ phớt lờ tất cả.
Khóc làm gì ta hãy uống cùng nhau! Cứ phớt lờ tất cả.
Khi không say, tôi buồn than không ít,
Nhưng khi say, tôi đếch cần, hơi đâu! Cứ phớt lờ tất cả.
84
Người hiểu biết, có tài, người ham mê khoa học
Phải đi vắt sữa dê... Nhìn đời mà phát khóc.
Làm thông minh là dại dột đời này -
Cái đầu giỏi rẻ hơn cả củ hành ngu ngốc.
85
Không ít người trước cô, xin nói thật,
Nổi tiếng đẹp và giàu sang bậc nhất,
Thế mà nay đều chết hết, và cô
Cũng sống vội để chóng thành bụi đất.
86
Hết bạn rồi thù - tất cả đã ra đi.
Ác thiện, vui buồn - tất cả đã ra đi.
Nhưng cũng phải yên tâm với những gì còn lại,
Dù trước hoặc sau, tất cả cũng ra đi.
87
Tôi vừa gặp một anh nghèo vui vẻ.
Anh ta khinh cả nhà thờ, thượng đế.
Pháp luật, lương tâm, sướng khổ bất cần...
Ai từng thấy anh nào can đảm thế?
88
Nếu phải chết - chỉ một lần phải chết.
Nên hãy chết một lần cho được biết.
Anh chẳng qua - một tí thịt, tí hồn,
Mà sợ mất? Chết đi! Đừng sợ thiệt!
89
Thật đáng thương cho trái tim không yêu.
Thật đáng thương cho trái tim đang yêu.
Nếu anh sống ngày nào mà không say ngày ấy.
Thì đời anh, anh để hoài bao nhiêu.
90
Hơn một nửa bạn bè tôi đã chết,
Số phận ta đều giống nhau phần kết.
Không ít kẻ cùng ta mới nâng cốc hôm nào,
Thế mà cốc đời mình nay uống hết.
91
Thế giới này, vân, do đâu mà có?
Đấy, câu hỏi đức Alla đã đố.
Các bác học thi nhau tranh cãi khá là nhiều
Nhưng cuối cùng cũng không ai biết rõ.
92
Ê, hiền triết, hãy nhìn kia, cậu bé
Đang nghịch cát, phá rồi xây vui vẻ.
Hãy bảo cậu ta nên cẩn thận, chớ đùa
Với cát bụi những trái tim đẫm lệ.
93
Đừng khóc những gì hôm qua anh để mất.
Dùng cân hôm qua đo hôm nay là không thật.
Đừng tin hôm qua, cũng đừng tin ngày mai -
Chỉ tin hôm nay, thế mới là đúng nhất.
94
Ai dễ tin sẽ lầm đường, phạm lỗi.
Ai suy nghĩ - sẽ hồ nghi, mệt mỏi.
Nhưng tôi sợ ngày kia thượng đế nói: Chúng mày
Đều ngu ngốc, cả hai cùng lạc lối.
95
Thà nghèo đói, xin ăn hay chịu chết
Chứ không kiếm thức ăn thừa chưa hết!
Đừng cam tâm làm con chó chờ ăn
Bên chân kẻ có chức quyền đáng ghét.
96
Ta thời bé tìm thầy học chân lý,
Như bây giờ trò tìm ta. Thiết nghĩ
Chân lý ở đâu? Ta từ nước mà ra,
Rồi thành gió - Thế thôi, thưa các vị.
97
Chẳng là gì núi cao và suối chảy.
Chẳng là gì những ước mơ nồng cháy.
Và những gì ta tha, nhặt về hang
Đều cũng chẳng, chẳng là gì hết thẩy.
98
Thôi, vĩnh biệt cái lồng đời đau khổ,
Chẳng có gì là vững bền trong đó,
Mặc những người định sống một nghìn năm
Sẽ nhìn theo, cười chê tôi này nọ.
99
Thưa thượng đế đầy uy quyền, xin hỏi:
Sao chúng tôi không sống lâu nghìn tuổi?
Nếu hoàn thiện, chúng tôi, sao phải chết, phải buồn?
Còn nếu không, ai là người có lỗi?
100
Thay mặt trời để chiếu sáng khắp nơi - tôi không thể.
Thành thông minh hiểu bí mật cuộc đời - tôi không thể.
Tôi chỉ nhặt ngọc trai trong biển ý và từ,
Nhưng xâu chúng thành vòng, than ôi, tôi không thể.
101
Một số yên tâm với cuộc đời có thật.
Một số ước mơ cuộc đời sau khi mất.
Mà cái chết là bức tường, khi đang sống không ai
Biết được những gì bức tường kia che khuất.
102
Nếu ta sống vì cái gì - tôi biết,
Tôi sẽ biết vì cái gì ta chết.
Những cái than ôi tôi chẳng biết lúc này,
Sau khi chết tôi không hy vọng biết.
103
Cứ yêu đi, cứ say đi, bởi lẽ
Không dại gì làm vua quan bệ vệ.
Thượng đế trên cao, tôi thừa biết, đếch cần
Cả râu tôi, cả ria anh đẹp thế.
104
Tôi - số phận bắt suốt đời phải khổ.
Anh thì sướng hết ngày này, ngày nọ,
Nhưng chớ vội yên tâm, nên cẩn thận, vì đời
Tráo trở lắm, đang chờ anh đâu đó.
105
Thật tội nghiệp những người than với khóc,
Hay để bụng, cứ bắt mình khó nhọc.
Hãy hát đi khi chưa đứt dây đàn.
Hãy uống đi chừng nào chưa vỡ cốc.
106
Nếu tự tôi, tôi đã không vào đây.
Nếu tự tôi, tôi không ra khỏi đây.
Cũng không sinh trên đời, nếu tự tôi quyết định,
Không bao giờ đi đâu, không ở đây.
107
Bằng cái đẹp, bằng hương hoa, đời này
Đã trót làm Khayyam yêu và say.
Nhưng dòng suối của cuộc đời cứ cạn,
Muốn hay không, anh cũng đành bó tay.
108
Tim ta ơi, đời này yêu giả dối,
Tình thương yêu tim sẽ không kiếm nổi.
Cũng thế xưa nay chưa có thuốc chữa buồn,
Mà cũng chẳng có đâu đừng kiếm vội.
109
Hãy mang rượu ra đây, đừng ỡm ờ!
Rót nữa đi, rót đầy, ngay bây giờ!
Già không nên giả vờ không uống,
Vì không uống lúc này thì bao giờ?
110
Với người chết không có gì quan trọng -
Rượu hay nước, tình yêu hay cuộc sống.
Sau cái chết chúng ta, như trăng khuyết, trăng tròn.
Hàng vạn lần giữa đời này biến động.
111
Cái thượng đế đã cho, thôi giữ lấy.
Không thể bớt, không thể thêm, đành vậy.
Chỉ cốt dùng sao có lợi nhất cho mình
Để không cướp, không phải vay ai đấy.
112
Rót nữa đi, chủ quán, rót vào đây
Thứ nước thần tôi uống đến kỳ say.
Cho đến khi con người tôi bèo bọt
Bị vắt thành chiếc cốc cầm trên tay.
113
Nếu đời tôi nằm trong tay thượng đế,
Và không ai thèm hỏi tôi như thế,
Thì rót đi, rót thêm nữa, nỗi buồn
Tôi cùng uống theo cốc này luôn thể.
114
Sáng, tỉnh dậy, bắt tay nhau, hãy cố
Quên những cái vẫn làm ta đau khổ.
Hãy hít sâu bầu không khí trong lành,
Hít đầy ngực, chừng nào đang biết thở.
115
Cá hỏi vịt: Dòng nước kia đang chảy
Có bao giờ lại đây cho ta thấy?
Vịt trả lời: Khi bị nấu trong xoong,
Xoong sẽ nói cho cô hay điều ấy.
116
Đừng giận dữ, oán người, sa nét mặt,
Đừng thấy tiền mà cúi đầu sát đất.
Nếu bạn anh, anh không giúp kịp thời -
Cửa nhà anh, sau này anh cũng mất.
117
Tôi bị gọi là thằng say - Quả đúng thế,
Thằng bất lương, thằng mặt dày - Quả đúng thế.
Nhưng tôi vẫn là tôi, ai nói gì mặc kệ,
Vẫn là Khayam này! - Quả đúng thế.
118
Hỡi hiền triết, gặp thằng ngu nói láo,
Khi đêm đen là bình minh hắn bảo,
Thì cũng hãy vờ ngu, đừng cãi hắn làm gì,
Vì bây giờ thông minh là ngu, là phản đạo.
119
Như mặt trời luôn cháy mà không tắt - tình yêu là thế.
Như con chim giữa bầu trời xanh ngắt - tình yêu là thế.
Than thở, đau buồn chưa thể gọi tình yêu.
Phải dám chết vì tình can đảm nhất - tình yêu là thế.
120
Cỏ nhú xanh và hoa hồng hé đỏ.
Trong nụ vui sẽ có mầm đau khổ,
Vì chúng ta chưa kịp ngoái lại nhìn,
Hoa đã héo, đã có người cắt bỏ.
121
Đừng ám ảnh về tương lai - đau khổ
Là những người lo ngày mai này nọ.
Kể đời này không quá chật với anh
Nếu anh biết tìm đúng mình, đúng chỗ.
122
Cứ để lửa trái tim anh rực cháy.
Cứ để mặc trái tim anh bay nhảy.
Cứ nằm yên trên cỏ ngắm trời sao,
Đêm cứ ngủ, và rạng ngày cứ dậy.
123
Đừng lo lắng vì đời trôi nhanh thế.
Hãy cứ yêu, hãy cứ say vui vẻ.
Trời chẳng cần ta tận tụỵ, trung thành,
Hãy trung thành với các cô gái trẻ.
124
Phá đời ta, số phận thật tàn ác.
Loáng một cái, hồn đã lìa khỏi xác.
Hãy ngồi đây, trên đám cỏ, sợ gì.
Ta cũng chết trước sau như người khác.
125
Tôi nghe nói thiên đường đầy suối mật,
Có đồng cỏ, có vườn cây đẹp nhất.
Rót rượu đi, tôi chẳng thiết thiên đường,
Tôi chỉ thích cốc này trên trái đất.
126
Nếu anh yếu, hãy phục tùng thượng đế.
Nếu anh mạnh, hãy đấu tranh, có thể.
Nhưng với ai xác bị bắt thành bình,
Xin hãy để người ta yên, nên thế!
127
Cả sau khi bao quốc gia mạnh nhất
Bị anh chiếm, phá tan, mà thú thật,
Anh chẳng trở nên bất tử hơn người,
Thì đời anh cũng là hai thước đất.
128
Không phải vì tin mà tôi vào nhà thờ.
Không để cầu xin mà tôi vào nhà thờ.
Vì chiếc thảm ngày xưa của nhà thờ tôi thó
Nay đã quá mòn, nên lại vào nhà thờ.
129
Hãy rót nữa, rót cho tôi, rót nữa,
Cho mặt tôi đỏ bừng lên như lửa.
Khi tôi chết, quan tài xin cứ cột dây nho,
Còn xác tôi - lấy rượu vang mà rửa
130
Tôi sẽ say cho tới ngày xuống mộ,
Cho mộ tôi cũng bốc mùi rượu đỏ,
Cho anh say đến viếng mộ thăm tôi.
Trở thành say gấp mấy lần trước đó.
131
Ta cần rượu và tình yêu; thượng đế
Cần nhà thờ và sách kinh - Đã thế,
Sao lỗi lại do ta, nếu mọi cái trên đời
Được định đoạt bởi bàn tay thượng đế?
132
Tôi cứ yêu, cứ say và cứ chén.
Tôi điên ư? Ngốc ư? Và đáng thẹn?
Ồ không sao! Cái phải đến, đến đi,
Vì cũng chẳng xấu hơn điều đã đến
133
Thà cứ yêu chỉ một người nào đó,
Còn hơn yêu chung chung mà đau khổ.
Thà giúp bạn anh bằng lòng tốt của mình,
Hơn nói giúp cả loài người này nọ.
134
Nhiều ý nghĩ có trong đầu, than ôi,
Nhưng nói ra, tôi sẽ mất đầu tôi.
Tôi cũng chẳng tin anh đâu, chỉ có
Tờ giấy này là đáng tin mà thôi.
135
Từ ngày mới sinh trong ta đã có
Cái hèn, cái sang, cái vui, cái khổ.
Thượng đế bắt ta phải vậy - suốt đời
Ta chẳng tốt hơn, xấu hơn ta có.
136
Từ nước và đất thượng đế làm nên tôi,
Rồi quyết định mỗi bước đi đời tôi.
Thế thì tôi còn biết làm gì nữa?
Cảm ơn ngài vất vả tạo nên tôi?
137
Thượng đế bảo tim tôi: Ta biết rõ
Ngươi trách ta gây khổ đau này nọ,
Nhưng ta đâu được điều khiển việc đời
Theo ý ta. Thế nên ngươi mới khổ.
138
Ở đời này không dễ tìm sự thật,
Không dễ thấy công bằng trên trái đất.
Đừng tưởng anh thay đổi được đời này.
Đừng ngồi lên cành cây anh định chặt!
139
Chúng mày ác, tội lấp đầy sông biển.
Ngày phán xử cuối cùng, kìa đang đến.
Trời không tha những người ác, mà ngài
Chỉ tha ai chưa kịp làm việc thiện.
140
Vâng tôi biết với Alla - Duy - Nhất
Tôi bất nhã, tội lỗi nhiều, thú thật.
Nhưng tôi tin ngài xá lỗi cho tôi,
Vì tôi sống chưa bao giờ hai mặt.
141
Sống - tôi biết, chết với tôi - không lạ
Thế giới này tôi đi, nhìn, thấy cả
Và nhận thấy khắp nơi không thể có cái gì
Bằng cái say, bằng cái say vô giá.
142
Đừng ngây ngất vì lời khen! Số phận
Đang giơ kiếm trên đầu anh, đợi sẵn.
Đúng, vinh quang là dễ chịu, nhưng đời
Đâu chỉ toàn thành công - nên cẩn thận!
143
Trong những cái Alla cho, tôi chỉ lấy
Mẩu bánh khô, chiếc lều tranh đâu đấy.
Tôi nghèo đói, khổ đau, mong được cứu tâm hồn,
Nhưng thành nghèo, tôi giàu chưa từng thấy.
144
Ai ba hoa về tình yêu, người đó
Sẽ nguội lạnh như than không lửa đỏ,
Vì tinh yêu chân chính đêm ngày
Luôn rực cháy trong niềm vui, nỗi khổ.
145
Ôi thượng đế dã man, tôi đã thấy
Ngài chưa hề giúp ai, vâng quả vậy.
Vì ở đâu tim khô héo vì buồn,
Ngài lập tức đổ dầu cho thêm cháy.
146
Muốn thì uống, nhưng trí khôn đừng để mất.
Cái cảm giác đủ và thừa đừng để mất.
Đừng để ai đáng kính phải mếch lòng,
Và bạn tốt, đừng vì say mà để mất.
147
Hỡi thượng đế, xích xiềng tôi hãy bỏ.
Các vị thánh mới cần mang thứ đó.
Tôi là ngu, nếu ngài muốn tôi ngu,
Là đau khổ, nếu ngài cần đau khổ.
148
Nay tôi già, đầy ăn năn hối lỗi.
Tôi biết trời không tha, không cứu nổi.
Tôi - thằng điên, không quy phục ý trời,
Chỉ lăm le trêu đời và phạm tội.
149
Khi nhào đất để vắt tôi, thượng đế
Quên không dặn, không khuyên tôi, vì thế
Tôi ăn chơi, tội lỗi đủ trăm điều.
Sao cấm tôi lên thiên đường như thế?
150
Ê, quan tòa luôn trang nghiêm, xin nói thật:
Anh tuy tỉnh mà xấu hơn thằng say nhất.
Tôi uống rượu nho, nhưng anh uống máu người,
Ai ác hơn - tôi hay anh? Xin hỏi thật!
151
Tớ là thằng đáng khinh, và càn rỡ?
Tớ không buồn, và thánh thần - đếch sợ.
Mặc, cứ say, và cốc rượu của mình
Tớ không xin, mà bắt mang cho tớ!
152
Nếu bên cạnh là một cô má đỏ
Nằm rót rượu cho tôi trên thảm cỏ,
Thì tôi chỉ là ngu, đáng khinh bỉ, chê cười
Nếu còn mơ một thiên đường nào đó.
154
Nếu tôi uống và say, không đứng nổi,
Thì thượng đế phải khen, không bắt tội,
Vì thế là tôi đã làm đúng ý ngài -
Ngài sinh tôi để say và phạm lỗi!
155
Một bầy ngốc gọi tôi nhà hiền triết.
Chi thượng đế tôi là ai mới biết.
Về thế giới, về thơ, tôi chẳng biết hơn gì
Những thằng ngốc đang đọc thơ tôi viết!
156
Giờ là lúc, chừng nào đang có thể,
Hãy lánh xa các cô nàng xinh trẻ,
Vì xưa nay cái đẹp chẳng lâu bền,
Chẳng mấy chốc sẽ trôi qua lặng lẽ.
157
Vâng, tôi uống, nhưng không say, không truỵ lạc
Tôi uống rượu để tìm vui, xua cái ác.
Tôi cúi đầu thờ cốc rượu của tôi
Còn hơn anh cúi đầu thờ kẻ khác.
158
Ta vấy bẩn, dù sinh ra sạch sẽ.
Ta đau khổ, dù sinh ra vui vẻ.
Nước mắt buồn ướt đẫm trái tim ta,
Rồi ta chết, làm mồi cho giun dế.
159
Đôi mắt tôi thích nhìn các cô nàng xinh nhất.
Đôi tay tôi thích cầm cốc rượu ngon, chén mật.
Tôi cố kiếm niềm vui, từng tí một cho mình,
Khi từng tí đời tôi chưa bị vùi xuống đất.
160
Chiếc bình này, như tôi, từng là anh ngu ngốc,
Từng si mê các nàng, từ hàm răng, mái tóc.
Các bạn hãy nhìn kia, chiếc tay xách trên bình
Là cánh tay từng ôm những tấm thân ngà ngọc.
No comments:
Post a Comment
your comment - ý kiến của bạn