MENU

BILINGUAL BLOG – BLOG SONG NGỮ ANH VIỆT SHARE KNOWLEGE AND IMPROVE LANGUAGE

--------------------------- TÌM KIẾM TRÊN BLOG NÀY BẰNG GOOGLE SEARCH ----------------------------

TXT-TO-SPEECH – PHẦN MỀM ĐỌC VĂN BẢN

Click phải, chọn open link in New tab, chọn ngôn ngữ trên giao diện mới, dán văn bản vào và Click SAY – văn bản sẽ được đọc với các thứ tiếng theo hai giọng nam và nữ (chọn male/female)

- HOME - VỀ TRANG ĐẦU

CONN'S CURENT THERAPY 2016 - ANH-VIỆT

150 ECG - 150 ĐTĐ - HAMPTON - 4th ED.

VISUAL DIAGNOSIS IN THE NEWBORN

Sunday, April 17, 2011

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu: Phải xã hội hóa ngành y tế một cách rõ ràng - How to socialize health care services

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu: Phải xã hội hóa ngành y tế một cách rõ ràng - Dr Nguyễn Lân Hiếu: How to socialize health care services

Tác giả: Kim Anh

Y tế tư nhân hiện đang gặp vấn đề lớn nhất là họ sẵn sàng bỏ tiền để xây dựng cơ sở vật chất nhưng lại không được ai giúp đỡ về chuyên môn. Bên cạnh đó, ngành y tế lại rất hay chỉ trích y tế tư nhân, ví dụ nếu chẳng may có chuyện gì xảy ra thì không có ai bảo vệ, bênh vực cho họ.


LTS: Còn khá trẻ (sinh năm 1972) nhưng bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là một trong những người được bệnh nhân tin tưởng tìm đến nhiều nhất. Họ tìm đến anh không đơn thuần vì anh có trình độ chuyên môn cao mà còn bởi cách anh hỏi chuyện, thăm khám một cách ân cần, chu đáo, cởi mở.

Có lẽ, điều làm nên tính cách "mẹ hiền" cũng như khả năng sáng tạo trong nghề nghiệp ở người thầy thuốc này là do anh thừa hưởng được một nền giáo dục rất cơ bản: Ông nội anh là Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân; ông ngoại là GS Nguyễn Văn Huyên, nhà văn hóa, từng là bộ trưởng Bộ Giáo dục suốt 29 năm. Đến tuổi đi học, anh lại được tiếp cận ngay với một phương pháp giáo dục tân tiến của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại, luôn lấy học trò làm trung tâm. Đã từng say mê, yêu thích và ước mơ trở thành họa sĩ, nhưng cơn bạo bệnh của bà ngoại (bà Vi Kim Ngọc, họa sĩ có tranh trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - PV) đã khiến anh nghĩ lại và chọn nghề y với khát khao có thể làm giảm những cơn đau kinh khủng của bà do bệnh ung thư...
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cũng là một trong số rất ít bác sĩ Việt Nam thường xuyên nhận được lời mời đi xử lý những ca khó của bệnh tim mạch ở trong nước cũng như trong khu vực. Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra trước khi anh lên đường vào TP. Hồ Chí Minh và sau đó là đi Philippines để thực hiện những sự hỗ trợ đó.

Được biết, anh là một thành viên tích cực ở Quỹ "Trái tim cho em" do Viettel, VTV và tổ chức Đông Tây hội ngộ sáng lập, vậy vai trò của anh ở quỹ này như thế nào?

Ngoài việc tham gia mổ những ca khó, nhiệm vụ chủ yếu của tôi là sàng lọc mức độ cần kíp của bệnh nhân để tránh tình trạng xếp hàng thứ tự theo kiểu ai được duyệt hồ sơ trước thì mới mổ trước. "Cứu bệnh như cứu hỏa" - có bệnh nhân được duyệt hồ sơ sau nhưng tình trạng bệnh đã ở mức cần cấp cứu, ngược lại, có người được duyệt hồ sơ sớm nhưng bệnh chưa đến mức phải can thiệp ngay. Sau đó, gửi bệnh nhân đến các bệnh viện cho phù hợp giữa tình trạng chuyên môn và tình trạng bệnh tật, giữa tình trạng kinh tế của mỗi gia đình với sự hỗ trợ từ quỹ... Vì không phải bệnh viện nào cũng được mổ miễn phí.

Đó cũng là lý do để nhóm các anh có một quỹ riêng nhằm cứu giúp những hoàn cảnh đặc biệt?

Vâng, quỹ do tôi cùng bạn bè và một số Tổ chức quốc tế thành lập. Quỹ không có tên, ngoài những người làm chuyên môn chỉ có thêm một chị làm thủ quỹ. Mỗi năm quỹ này mổ cho khoảng 30-40 cháu. Vì là làm cho trẻ em nên rất dễ xin tiền, hơn nữa, chúng tôi biết rất rõ bệnh nhân nào nghèo hay không, không phải mất thì giờ qua quá nhiều thủ tục. Bên cạnh đó, chúng tôi có quan hệ rất tốt với bạn bè đồng nghiệp quốc tế nên có những người bạn ở nước ngoài chuyên gom đồ nghề để giúp cho. Do vậy, chưa bao giờ chúng tôi để bệnh nhân cần cấp cứu nhưng vì nghèo mà không được chữa trị. Cũng chưa bao giờ có bệnh nhân vì không có tiền mà phải bị chết hoặc phải mổ mở ngực (với chi phí thấp hơn).


Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu. Tranh: Hoàng Tường.
Là chuyên gia trong lĩnh vực can thiệp tim bẩm sinh, anh đánh giá thế nào về trình độ chuyên môn ấy ở nước ta hiện nay?
Việc can thiệp tim bẩm sinh thực sự bùng nổ vào năm 1997, khi người ta nghĩ ra một dụng cụ bằng kim loại nhớ hình (có thể kéo nhỏ, luồn vào những tĩnh mạch, nhưng khi thả ra, nó lại trở lại hình dạng ban đầu). Tôi có may mắn đi học ở Pháp về từ năm 2000, đúng lúc công nghệ ấy đang phát triển mạnh nhất, do vậy có thể nói mình không bị chậm so với thế giới. Số lượng bệnh nhân được can thiệp hiện đang đứng đầu Đông Nam Á. Ngành can thiệp tim bẩm sinh luôn cập nhật được các công nghệ mới nhất của thế giới. Những gì thế giới làm được thì mình lập tức triển khai, thậm chí có những việc thế giới chưa làm, mình đã tự nghiên cứu làm trước.
Ví dụ như việc thông liên thất chẳng hạn. Phía Mỹ người ta chưa thông tâm nhĩ thất, hiện nay cả Đông Nam Á này, chỉ có Việt Nam là nơi làm nhiều nhất. Dụng cụ thông liên thất do bác sĩ Lê Trọng Phi (hiện đang sống ở Đức) nghĩ ra, gọi là Lê Coil - Việt Nam là nơi ứng dụng đầu tiên trên người. Sau này, dựa vào đó chúng tôi đã cải tiến thành một dụng cụ khác, chi phí rẻ một nửa và hiện đang được ứng dụng rất tốt ở trong nước cũng như ở nước ngoài, chưa gây ra biến chứng gì, đặc biệt là biến chứng rối loạn nhịp tim muộn gây đột tử cho người bệnh sau khi đã điều trị. Việc cải tiến này đã được công bố tại hội nghị khoa học quốc tế, các đồng nghiệp rất thích thú với phương pháp này bởi vì ngoài việc không gây biến chứng, nó còn rút ngắn được thời gian thực hiện từ hơn 2 giờ xuống còn 15-30 phút/ca.
Tóm lại, mức độ hội nhập của mình với thế giới về can thiệp tim bẩm sinh là khá cao, gần như ngang nhau và có nhiều cơ hội trao đổi chứ không phải chỉ là học hỏi nữa. Việc bắt kịp thế giới về can thiệp tim bẩm sinh mang lại nhiều ích lợi: Chẳng hạn như không để lại sẹo, an toàn hơn và thời gian nằm viện cũng ít hơn (hơn một ngày). Người được hưởng lợi nhiều nhất là trẻ em. Ở nước ngoài chi phí cho một ca can thiệp tim bẩm sinh rất đắt. Nhưng ở Việt Nam, nhờ có sự cố gắng của bệnh viện, các hãng và của cả đội ngũ bác sĩ nữa nên chi phí là rất rẻ so với các nước khác. Nếu ở Singapore, Malaysia, Thái Lan, thủ thuật nội soi này đòi hỏi chi phí cao hơn nhiều so với mổ mở, nhưng ở Việt Nam chi phí bằng hoặc thậm chí còn rẻ hơn.

Chương trình hỗ trợ mổ tim bẩm sinh ở Ấn Độ do anh làm giám đốc đã kết thúc chưa?

Chương trình ở Ấn Độ coi như đã kết thúc, hiện thỉnh thoảng tôi mới phải sang để hỗ trợ những ca khó. Ấn Độ giàu nhưng phân hóa mạnh. Người giàu thì đi Mỹ, Anh, Pháp, Đức chữa bệnh. Người nghèo thì được bác sĩ Việt Nam chữa... từ thiện.
Đây là sáng kiến của một bác sĩ người Ấn Độ, ông ấy rất giỏi về chữa bệnh tim ở người lớn, sang Việt Nam, ông thấy chúng ta chữa cho trẻ con giỏi quá bèn mời sang làm chương trình cho trẻ em bẩm sinh ở các tỉnh của Ấn Độ. Chúng tôi đã tiến hành, phối hợp hướng dẫn, chuyển giao công nghệ ở 13, 14 thành phố. Hiện nay đã có vài thành phố tự làm được rồi. Đi làm các chương trình ấy về, tôi có những trải nghiệm khác nhau, trong đó thấy rõ bệnh nhân ở nước mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều. Một vài báo cáo tại hội nghị khoa học gần đây dựa trên số liệu của tôi cho thấy, việc đầu tư, chăm sóc cho trẻ em bị tim bẩm sinh ở Việt Nam là đứng ở hàng nửa phía trên so với các nước khác.

Dư luận xã hội có rất nhiều ý kiến trái chiều về đội ngũ thầy thuốc ở ta hiện nay. Không ít người còn tỏ ra thiếu tin tưởng vào trình độ chuyên môn cũng như y đức nói chung. Theo anh, vấn đề nào đặt ra cho đội ngũ thầy thuốc ở ta?

Ở các bệnh viện công rất nhiều bác sĩ, nhưng các vị trí chính thức thì rất ít người được giao việc, nghĩa là môi trường để phát triển sẽ không có. Bệnh viện tư thì không thể giỏi được vì ít được chữa các ca khó. Thành ra bác sĩ, ngoài chuyện học vấn còn cần phải có tay nghề cao nữa. Mà muốn có tay nghề cao thì phải được thử thách, phải được cọ xát. Môi trường đào tạo ở Việt Nam bị hạn chế, chỉ có quanh quẩn ở một số bệnh viện công, một người thầy có tới hàng chục trò thì làm sao có thể giỏi được.
Tôi có thể khẳng định, người sẵn sàng bỏ tiền ra để làm bệnh viện tư rất nhiều nhưng bác sĩ có chuyên môn thì rất ít để có thể đáp ứng được yêu cầu của các bệnh viện này. Đây rõ ràng là vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao ở ngành y tế. Nhân lực phổ thông rất nhiều, hiện có không ít các bệnh viện có đào tạo y tá. Quá nhiều y tá nhưng lại rất hiếm y tá giỏi. Chúng ta chưa có chuẩn quốc tế về đào tạo.
Hăng năm có hàng ngàn y tá ra trường nhưng không ai có thể đi làm việc được ở nước ngoài theo tiêu chuẩn chung, nếu đi thì phải đào tạo lại, thi lại. Trong khi đó vai trò của y tá cũng cực kỳ quan trọng. Một y tá chuyên nghiệp giúp cho bệnh nhân nhiều hơn một người bác sĩ mới ra trường... Hiện không có ai nghĩ đến việc xây dựng một môi trường đào tạo chuyên nghiệp, quốc tế hóa ở Việt Nam.

Điều này cũng phải thôi vì ngành y vẫn nằm trong hệ thống giáo dục đào tạo chung của cả nước - một hệ thống gây tranh cãi nhiều nhất, tốn tiền của đầu tư, tìm cách cải tiến nhiều nhất, nhưng vẫn chưa tìm được hướng đi đúng cho mình...

Hiện nay, rất nhiều tổ chức, cá nhân sẵn lòng làm từ thiện, nhất là ở hai lĩnh vực giáo dục và y tế. Nhưng lại có nghịch lý là nếu người ta có quyên đủ tiền để xây dựng một bệnh viện hiện đại nhất Đông Nam Á thì cũng không có bác sĩ giỏi để làm việc. Đây là hậu quả của nền giáo dục từ 20 năm trước đến nay và không chỉ có vậy, nó sẽ còn di hại đến vài chục năm sau. Đó là một nền giáo dục y tế học vẹt: Thầy dứt khoát là phải giỏi hơn trò.
Tôi cũng đi dạy cho sinh viên, và luôn phải nói: "Tôi nói thế này, may lắm thì chỉ đúng khoảng 90% thôi. Các em không thể coi những điều tôi nói là chân lý, vì như thế các em không bao giờ giỏi bằng tôi được. Thế thì càng ngày y tế càng dốt đi à". Có một thực tế nghịch lý như thế này: Phải rất giỏi, rất thông minh mới vào ngành y được. Thế nhưng sau 6, 7 năm học, ra trường, trong xã hội, nhiều người cho là không có bác sĩ giỏi. Lỗi do đâu? Lỗi do ngành giáo dục chứ do đâu.
Anh không kích thích để cho sinh viên có tinh thần ham học như ngày xưa, thời mà mỗi người buộc phải học thật giỏi một cách toàn diện. Bây giờ chỉ thích học những gì kiếm được tiền thật nhanh. Ít có người nghiên cứu chuyên môn thật giỏi, vì như vậy phải đầu tư nhiều thời gian, hiệu quả đến rất chậm. Điều ấy cực kỳ nguy hiểm vì không tạo ra được tài năng cho đất nước... Có điều tôi nhận thấy những năm gần đây, học trò của tôi cũng đã có chiều hướng thay đổi tư duy, đã chú ý đến việc rèn luyện tay nghề cho "tinh" hơn.

Thế thì chúng ta phải làm thế nào để bác sĩ tâm huyết với nghề nếu như đồng lương không đủ sống?

Tôi có thể khẳng định là hiện nay, nếu giỏi chuyên môn thực sự thì vẫn sống tốt, vì người ta vẫn dễ dàng "nhận" ra. Anh cứ làm một ca làm phúc thôi thì tự nhiên sẽ có 2-3 ca người ta tự tìm đến anh. Tôi chưa thấy người nào giỏi chuyên môn mà nghèo cả. Đừng bao giờ lo là Nhà nước có đãi ngộ tốt hay không?

Theo anh, khó khăn lớn nhất của y tế hiện nay ở ta là gì?

Cơ chế có vấn đề, không phải cơ chế quản lý từng phần mà cơ chế cho đường ra chính thức. Nhà nước ta đề ra hướng đi của ngành y tế là "xã hội hóa", làm sao phải xã hội hóa y tế một cách rõ ràng. Tôi là người làm thực tế, tôi thấy sai lầm ở chỗ cho phép tư nhân hóa một phần trong bệnh viện công. Như thế chẳng qua là mình đã bán thương hiệu bệnh viện.
Tôi lấy ví dụ đơn giản: Trước đây Nhà nước bỏ tiền ra mua máy móc, trang thiết bị thì người sử dụng vẫn là người bác sĩ trong bệnh viện, người được hưởng công nghệ là bệnh nhân. Bây giờ xã hội hóa có nghĩa là một tư nhân nào đó bỏ tiền ra mua máy móc, người sử dụng vẫn là những người bác sĩ ấy, đối tượng phục vụ vẫn là những bệnh nhân ấy, nhưng đương nhiên, phải chi trả lợi ích cho người đầu tư, do vậy lợi ích của bệnh nhân sẽ bị thiệt thòi.
Phải tư nhân hóa y tế một cách có bài bản. Nghĩa là các bệnh viện tư có điều kiện về cơ sở vật chất nhưng phải được đào tạo về chuyên môn kỹ càng. Riêng ngành Tim mạch, tôi thấy bệnh viện Tâm Đức ở TP. Hồ Chí Minh là một mô hình tốt. Đây là một bệnh viện tư nhân hóa 100% nhưng họ được sự hỗ trợ của Viện Tim TP. Hồ Chí Minh xây dựng về chuyên môn nên rất vững.
Y tế tư nhân hiện đang gặp vấn đề lớn nhất là họ sẵn sàng bỏ tiền để xây dựng cơ sở vật chất nhưng lại không được ai giúp đỡ về chuyên môn. Bên cạnh đó, ngành y tế lại rất hay chỉ trích y tế tư nhân, ví dụ nếu chẳng may có chuyện gì xảy ra thì không có ai bảo vệ, bênh vực cho họ.
Do vậy, các chính sách của Nhà nước cũng phải bảo vệ cho họ. Vì bác sĩ cũng là con người, nên cũng có thể mắc sai lầm, nếu ai đó bị kiện rồi thì sẽ ngại ngùng hoặc không dám làm những ca khó, mà như thế thì không bao giờ giỏi lên được. Y tế tư nhân không phát triển lên được vì vướng vào vòng luẩn quẩn. Làm sao phải kết hợp được hỗ trợ được chuyên môn để bệnh viện tư mạnh như bệnh viện công. Lúc ấy thì mới có thể giảm tải được bệnh viện công, nâng cao được sự cạnh tranh, nâng cao được chất lượng điều trị... Do vậy, tôi thấy khó khăn lớn nhất là chưa tìm được đường đi đúng cho việc phát triển y tế ở Việt Nam.

Ở TP. Hồ Chí Minh hiện nay Bệnh viện FV đã mua bảo hiểm rủi ro cho bác sĩ. Theo đó, trong quá trình điều trị nếu xảy ra rủi ro cho bệnh nhân thì bảo hiểm sẽ đền bù về tài chính, điều này ít nhất cũng khiến bác sĩ mạnh dạn hơn trong chữa trị. Anh nghĩ sao về biện pháp này?

Đó cũng là bước đi cần thiết của ngành y tế Việt Nam. Trên thế giới và ngay cả nhiều nước trong khu vực như Philippines, Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan... cũng đã thực hiện việc này từ lâu rồi.

Thế còn chế độ bảo hiểm y tế? Là thầy thuốc, chắc hẳn phải có lúc anh áy náy khi phải kê thuốc cho bệnh nhân nghèo theo chế độ bảo hiểm mà bản thân mình biết chắc rằng giá như có thuốc tốt hơn thì tình trạng bệnh của họ sẽ nhanh chóng tiến triển tốt hơn... Theo anh, chế độ bảo hiểm y tế ở ta có cần thay đổi?

Chế độ bảo hiểm y tế hiện nay với điều trị bệnh tim bẩm sinh ở Việt Nam là tốt, thậm chí tốt hơn so với một số nước trong khu vực mà tôi có điều kiện sang can thiệp (Philippines, Indonesia..,). Tuy nhiên việc tiếp tục tìm ra những phương hướng tốt hơn trong tương lai là rất quan trọng.
Theo tôi, đơn vị bảo hiểm y tế và các đơn vị chuyên môn cần thường xuyên gặp gỡ bàn bạc để có những sự thay đổi điều chỉnh những phát sinh mới xuất hiện trong sự tiến bộ của y học hiện đại. Ngoài ra sự phối hợp giữa các tổ chức từ thiện và bảo hiểm y tế có vai trò rất quan trọng trong việc điều trị từng trường hợp bệnh nhân cụ thể.
Tôi đã gặp rất nhiều các bệnh nhân chỉ thiếu một lượng tiền rất nhỏ (mà bảo hiểm y tế không chi trả 100%) đã có ý định không điều trị nữa và người nhà đưa bệnh nhân về, lúc này nếu có sự phối hợp giữa các tổ chức từ thiện việc điều trị sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Chúng tôi đã áp dụng mô hình này tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Đà Nẵng... rất thành công.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.


Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu: Đừng quá định nghĩa chữ Y đức
Tác giả: Hồng Khanh

Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng đối với sinh viên Y khoa hiện nay, nhiều khi chúng ta quá áp đặt, quá định nghĩa chữ Đức với các bạn. Chúng ta dạy nhiều, nói nhiều vấn đề này lại gây căng thẳng cho các bạn. Có người đã từng nói với tôi: "Uốn măng để không phải uốn tre. Điều đó đúng nhưng không phải "uốn" đến mức độ răn đe người ta quá"

Đang giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và công tác tại Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai, TS. Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu không chỉ được biết đến là thế hệ thứ ba của dòng họ Nguyễn Lân danh giá (cháu nội GS.NGND Nguyễn Lân, con trai GS.NGND Nguyễn Lân Dũng) anh còn là một chuyên gia tim mạch có tên tuổi với nhiều cống hiến cho nền Y học Việt Nam. Nhiều người ngưỡng mộ và kính trọng anh không chỉ bởi cái tài mà còn bởi cái đức thầm lặng với mỗi bệnh nhân.
Gặp anh tại khu C6 - Bệnh viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội), mặc dù bận rộn với những lịch làm việc, công tác tại Bệnh viện, việc giảng dạy, nghiên cứu tại trường Đại học Y Hà Nội, nhưng khi nhắc đến ngày Thầy thuốc Việt Nam, anh vui vẻ dành cho tôi những giây phút trò chuyện, chia sẻ về sự học việc học và chữ Y Đức của người thầy thuốc.

"Bố mẹ chỉ cho tri thức, các con cố lo học thành tài"

Ngay từ nhỏ tôi đã được bố kể cho nghe rất nhiều những chuyện về ông nội (cố GS.NGND Nguyễn Lân), về con đường phấn đấu của các bác các chú trong gia đình, đặc biệt tôi rất nhớ câu nói của ông "Bố mẹ chỉ cho các con tri thức, các con cố mà lo học thành tài" mặc dù lúc đó tôi cũng chưa thể hiểu hết được ý nghĩa câu nói ấy. Thời gian, sự trưởng thành đã giúp tôi nhận thức được giá trị của câu nói, của phương pháp tự lập trong từng câu chuyện bố kể, trong cách bố dạy chúng tôi. Không bao giờ ông đánh mắng, cũng không bao giờ ép chúng tôi phải thế này, phải thế kia mà ông luôn tôn trọng những quyết định, những lựa chọn của anh em chúng tôi.
Học THPT chúng tôi may mắn là khóa học sinh đầu của Trường Thực Nghiệm Giảng Võ do GS Hồ Ngọc Đại dựng lên. Khác với nhiều trường lúc bây giờ và ngay cả bây giờ ở đây rất đề cao phương pháp tự học, thầy cô luôn cho học sinh phát huy tối đa khả năng và sự tự lập của học sinh. Đó thực sự là khoảng thời gian rất quý giúp tôi định hình được phương pháp học tự lập cho chính mình từ sự giáo dục của gia đình. Sau đó, tôi theo học tại trường Đại học Y Hà Nội.


Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu
"Chọn nghiệp làm một bác sĩ trước hết đó là niềm đam mê có ảnh hưởng sâu sắc từ mẹ tôi, vốn là một bác sĩ Nhi khoa. Tuổi thơ của tôi có một kỷ niệm rất buồn là năm 17 tuổi tôi chứng kiến bà ngoại bị mắc căn bệnh nan y ung thư phổi. Nhìn bà ngoại vật vã trong những cơn đau mà lòng tôi như quặn thắt nhưng cũng đành bất lực. Sự ra đi sớm của bà ngoại càng thôi thúc tôi trở thành một bác sĩ để không phải bất lực khi nhìn thấy những người tôi yêu thương đau đớn vì bệnh tật.
Lựa chọn con đường Y khoa tôi đã được sự ủng hộ và giúp đỡ của mọi người rất nhiều, nhưng ở đây sự tự học lại càng trở nên quan trọng chứ có ai trong ngành mới là quan trọng. Tuy nhiên, thực sự ở bậc đại học tôi lại chưa phát huy thật tốt được phương pháp tự lập bởi tôi thấy mình cũng bị ảnh hưởng bởi cách học hình thức nên nhiều khi thấy những gì mình học cũng chỉ là học ép, học gạo, thấy lý thuyết nhiều quá. Cách học này bây giờ vẫn còn phổ biến không chỉ ở cấp I, cấp II, hay cấp III và đến cả bậc đại học vẫn còn rất nặng nề.
Học xong 6 năm đại học, tôi bước vào thời kỳ học nội trú. Trong thời gian này tôi đã được đi du học ở Pháp, Mỹ. Quá trình đi du học đã giúp tôi rất nhiều không chỉ trong việc nâng cao chuyên môn mà hơn hết ở đó tôi thấy trong môi trường mới phương pháp tự lập thực sự có tác dụng rất lớn trong hệ thống giáo dục của nước bạn.
Và đến bây giờ tôi cũng có thể tự hào đã thực hiện được câu nói của ông nội: "Bố mẹ chỉ cho các con tri thức, các con cố lo học thành tài".

Cởi trói cách học


Bản thân là một người thầy thuốc nhưng cũng là một người thầy giáo đang công tác và giảng dạy tại trường Đại học Y Hà Nội, anh thấy các bạn sinh viên ngày nay như thế nào?

Tôi có thể khẳng định ngay là các bạn sinh viên ngày nay giỏi hơn thế hệ chúng tôi rất nhiều. Các bạn cũng có nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận thông tin đặc biệt với sự trợ giúp đắc lực của internet. Y học ngày nay là Y học bằng chứng, Y học bằng những nghiên cứu thực nghiệm khác hẳn với Y học của 10, 20 năm về trước nên đòi hỏi người học phải có sự chủ động, tự lập cao.
Nhưng thực tế, lại có không ít sinh viên đang học một cách thụ động. Đó cũng không hẳn do lỗi của các bạn mà có lẽ là do hệ thống giáo dục của chúng ta trong đó có một phần đóng góp của tôi. Việc chúng ta quá coi trọng điểm số, thành tích đã tạo ra cho các bạn một sức ép, nhưng chỉ tiếc đó cũng chỉ là sức ép hình thức. Vì vậy, việc chọn lựa được phương pháp học tập là vô cùng quan trọng.
Không ít người đã từng hỏi tôi rằng: Trong nền Y học bây giờ sao ít đào tạo được những bác sĩ giỏi thế? Có thể thấy sinh viên Y khoa thực sự có nền tảng kiến thức rất tốt, điểm thi đầu vào của trường đều rất cao. Nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế ở đây là: Học điểm rất cao nhưng ra trường lại không có nhiều bác sĩ giỏi. Vì thế việc đặt một dấu hỏi cho công tác giáo dục trong nhà trường cũng là một điều dễ hiểu.


BS Hiếu (giữa) đang hướng dẫn mổ cho học viên
Khi lên lớp tôi vẫn thường nói với các bạn sinh viên: Đừng xem những gì tôi giảng là đúng hoàn toàn để giành sự chủ động về phía sinh viên. Đây là điều mà hệ thống giáo dục ở nước ngoài họ làm rất tốt và hệ thống giáo dục của ta cũng đang đẩy mạnh cải cách nhưng không phải nói là làm được ngay nên phần lớn vẫn phải từ chính phương pháp học của các bạn sinh viên.

Nhưng không phải ai cũng có điều kiện đi du học, như vậy có phải các bạn không được đi du học sẽ rất khó để thực sự chủ động trong cách học?

Được đi du học, được sống và học tập ở nước ngoài là môi trường cực kỳ thuận lợi cho các bạn tự phát huy khả năng của bản thân. Nhưng sự chủ động là từ chính mình, môi trường cũng chỉ là điều kiện bên ngoài. Hơn nữa, ngày nay các bạn đang được trang bị rất nhiều vũ khí cho mình chủ động. Chỉ có điều các bạn sử dụng những vũ khí ấy như thế nào. Không phải nói chủ động là các bạn có thể có ngay sự chủ động mà đó để hình thành phương pháp thực sự là cả một hệ thống. Người lớn chúng ta chỉ là những người định hướng còn quyết định vẫn là ở bản thân người học.
Nhưng cũng xin được chia sẻ thêm với các bạn sinh viên đang theo học ngành Y, nếu ngay từ những năm đầu tiên các bạn chủ động đi sâu vào một chuyên ngành thì thời gian học đại học sẽ là một bước đệm rất tốt để đến khi tiếp tục học nội trú các bạn sẽ có sức bật rất lớn. Y học không đứng yên, phương pháp Y học mới biến đổi và tiến bộ rất nhanh nên nếu chỉ dành được một hai công trình nghiên cứu mà các bạn đã vội dừng lại thì không phải các bạn được đứng im tại chỗ đâu mà các bạn đã tự đẩy các bạn lùi xa dần con đường Y học hiện đại.
Hơn nữa, một trong những vấn đề khiến nhiều bạn chưa thực sự chủ động trong học tập là hệ thống đào thải của chúng ta chưa tạo động lực cho các bạn trẻ phấn đấu vươn lên. Cộng thêm những suy nghĩ về mục đích của các bạn trong thời buổi kinh tế thị trường, đã tạo nhận thức cho không ít các bạn sinh viên khi ra trường chỉ cần một chỗ làm ổn định, kiếm được thật nhiều tiền thế là đủ rồi có thể đạt được những điều này từ những mối quan hệ này nọ... Rất tự nhiên từ những suy nghĩ ấy sẽ làm mài mòn và làm hỏng chính những người trẻ khiến các bạn chạy theo mục đích sống là mục đích lợi nhuận.

Đừng quá định nghĩa chữ Y Đức


Đối với ngành Y, nói đến mục đích lợi nhuận phải chăng là làm hỏng chữ Đức, bóp méo lương y của người thầy thuốc?

Đây thực sự là một câu hỏi rất khó. Đã từng đi được đi du học, được tham gia giảng dạy, hướng dẫn và điều trị ở nhiều nước trên thế giới từ nước kém phát triển đến nước phát triển, Y Đức ở nền Y học nước nào cũng là vấn đề được ưu tiên. Vấn đề ở đây không phải là xem trọng lợi nhuận làm hỏng chữ Đức, hay bóp mép lương y của người thầy thuốc mà là cách ta nhìn nhận về chữ y đức ấy như thế nào. Không phải anh cứ suốt ngày nói đến Y Đức là có Y Đức. . Nhưng nhiều khi tôi thấy ở Việt Nam người ta đã quá định nghĩa chữ Y Đức.
Nhận phong bì, vòi tiền bệnh nhân đó là sự thực trong thực tế từ đó họ nói nhiều đến đạo đức, lương tâm của người thầy thuốc nhưng theo tôi đó còn là vấn đề chuyên môn. Khi làm việc đừng lo anh sẽ không được đãi ngộ tốt, nếu anh có chuyên môn, tay nghề giỏi thì anh sẽ được nhận những chính sách đãi ngộ của Nhà nước. Tôi chưa thấy ai giỏi chuyên môn mà nghèo cả.
Đức luôn ở trong con người mình vì vậy có ép thế nào thì vẫn là con người mình. Người ta nhắc đến chữ Đức trong ngành y là chữ Đức đặc biệt. Bởi hơn thế, khi anh có chuyên môn giỏi, có được niềm tin từ bạn bè đồng nghiệp và người bệnh thì chữ Đức ấy sẽ cho người thầy thuốc những giá trị tinh thần rất lớn mà không thứ vật chất hay sự đãi ngộ nào có thể so sánh được.
Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng đối với sinh viên Y khoa hiện nay, nhiều khi chúng ta quá áp đặt, quá định nghĩa chữ Đức với các bạn. Chúng ta dạy nhiều, nói nhiều vấn đề này lại gây căng thẳng cho các bạn. Có người đã từng nói với tôi: Uốn măng để không phải uốn tre. Điều đó đúng nhưng không phải "uốn" đến mức độ răn đe người ta quá.

http://dinhvankhai.blogspot.com/2011/04/bac-si-nguyen-lan-hieu-phai-xa-hoi-hoa.html

No comments:

Post a Comment

your comment - ý kiến của bạn