HÃY PHÁT HUY KHÁT VỌNG GHI DANH VÀO KÝ ỨC DÂN TỘC
Hỡi các công dân đất Việt!
Con người ta sinh ra, lớn lên, ai cũng mưu cầu cuộc sống hạnh phúc, thỏa mãn những nhu cầu đa dạng của bản thân về vật chất lẫn tinh thần. Đó là lẽ thường với đa số mọi người. Nhưng nó vẫn chưa đủ với một số người đặc biệt là tầng lớp tinh hoa của xã hội. Cuộc sống của bạn sẽ thiếu vắng ý nghĩa nếu bạn chọn sinh ra, lớn lên, mưu sinh và qua đời lặng lẽ. Tại sao bạn không có khát vọng đánh dấu sự tồn tại của bạn trong thời đại mình và cả trong những thời đại tiếp theo và biến nó thành một nhu cầu thiết thân như cơm ăn, nước uống hằng ngày? Tại sao bạn không mong muốn đời sống của mình được kéo dài hơn trong tâm thức của những người đồng thời và cả thế hệ tương lai? Tại sao bạn không phấn đấu để có một sự bất tử tương đối (relative immortality), như nhà bác học nổi tiếng Eisntein có nói, “đó là sự duy trì trong ký ức về một con người qua một số thế hệ”?
Dân tộc ta đã trải qua lịch sử mấy nghìn năm. Đã có biết bao người đã ra đời, đã sống nhưng không hề chết đi trong ký ức của dân tộc. Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung… vẫn còn mãi trong lòng dân tộc vì ý chí độc lập và chiến công chống giặc ngoại xâm. Chừng nào dân tộc ta còn tồn tại, còn bước đi trên lò lửa hồng của cuộc chiến sinh tồn không mệt mỏi, hình ảnh của các anh hùng dân tộc vẫn được ghi khắc trong tâm khảm nhân dân.
Nguyễn Công Trứ, ngay từ khi còn rất trẻ, đã viết câu thơ nổi tiếng:
“Đã mang tiếng đứng trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông”
Hay:
“Không công danh thời nát với cỏ cây”
Phan Bội Châu cũng tự khẳng định vai trò của mình trong lịch sử:
“Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển dời
Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Sau này muôn thuở há không ai?”
Những nhân vật lich sử này qua cuộc đời và sự nghiệp của mình đã thổi bùng lên khát vọng được cống hiến cho dân tộc. Họ khẳng định cái tôi sang trọng và đáng kính của đấng trượng phu chứ không phải cái tôi nhỏ nhen, vị kỷ của kẻ phàm phu. Đó là cái tôi muốn hiến muốn dâng, cái tôi muốn trao tặng để nhận lấy một một món quà quý giá vô cùng: ký ức lịch sử.
Lịch sử nước nhà đã viết nên những trang vẻ vang một phần nhờ khát vọng lập thân cao cả đó. Nhưng trong những thập niên gần đây, khi chủ nghĩa hưởng lạc, cầu an và chờ thời tràn ngập đời sống xã hội, cái khát vọng chính đáng đó đã mai một đi, cái động cơ cống hiến cho xã hội của kẻ sỹ cũng tàn tạ theo. Kết quả là:
- Người ta sống vội vàng, gấp gáp, lấy sự thỏa mãn nhu cầu vật chất làm mục đích tối thượng, đôi khi là duy nhất;
- Người ta coi thường mọi phê phán về hành vi của mình, đánh mất cả lòng tự trọng tối thiểu, bất chấp dư luận, dẫn đến sự xuất hiện của chủ nghĩa mặt dày.
- Người ta sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để phục vụ mục đích thủ lợi cho cá nhân hay bè nhóm. Chủ nghĩa duy lợi lên ngôi thống trị nếp nghĩ của xã hội. Câu nói cửa miệng có thể nghe từ người dân tới quan chức bất cứ nơi đâu từ hang cùng ngõ hẽm tới cơ quan công quyền: “Anh làm thế thì có lợi gì cho anh?”
- Thế hệ thanh niên lớn lên không còn tìm thấy lý tưởng cao đẹp để phụng sự, để cống hiến, để phát huy tài năng trí lự, dần dần biến thành thực dụng và ích kỷ hay bất mãn và bất hợp tác.
Thế thì phát huy khát vọng ghi danh vào lịch sử để làm gì?
- Với những người lãnh đạo, nó giúp họ thường xuyên điều chỉnh hành vi. Có thể họ có đủ quyền lực để thống trị bia miệng một thời, nhưng họ biết mình sẽ bất lực trước phán xử của hậu thế vốn công minh và vô tư, cho nên họ sẽ phấn đấu không vì cá nhân, không vì bè nhóm mà vì dân tộc, bởi họ biết chỉ dân tộc mới có ký ức lịch sử lâu bền.
- Với trí thức, khát vọng lưu danh sẽ là động lực mạnh mẽ nhất giúp họ liên tục sáng tạo, đổi mới, đóng góp và cống hiến. Lòng yêu mến tri thức, yêu mến dân tộc cộng với khát vọng lưu danh lịch sử chắp cánh cho tài năng của bộ phận tinh hoa này của đất nước.
- Với những người dân bình thường như chúng ta, khát vọng lưu danh nơi cộng đồng, trong làng bản, chốn phố phường sẽ tạo nên những tấm gương vị tha, đạo đức, mẫu mực, sẽ tạo nên những lối sống cao đẹp, những ứng xử vượt qua giới hạn của lẽ thường, những tấm gương yêu thương, hy sinh, cống hiến để cho cả cho cộng đồng noi theo mà nhân rộng. “Nhà tôi, ba đời làm quan liêm khiết. Tôi, giấy rách cũng giữ lấy lề.”
- Với thế hệ thanh niên lớn lên sẽ có ngay những tấm gương hiển hiện trước mắt để soi mình, để phấn đấu hoàn thiện bản thân. Nếu cả nước từ người dân đến lãnh đạo ai cũng nuôi khát vọng cao đẹp đó thì cái câu “ra ngõ gặp anh hùng” không chỉ là một hoài niệm đẹp trong quá khứ nữa.
Có người hỏi nó có phải là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân không? Thưa, đích thị nó là chủ nghĩa cá nhân, nhưng là một thứ cá nhân biết quên mình cho tập thể: khi còn sống thì sống với hơi thở thời đại, và mong được ghi nhớ như một cá nhân bất tử khi đã qua đời. Vậy, chủ nghĩa cá nhân đó không đáng được ngợi ca hay sao?
Tuy nhiên, đừng tìm cách đánh lừa lịch sử để lưu hư danh. Lịch sử có thể mắt nhắm mắt mở nhưng không bao giờ mù lòa. Một chính trị gia phương Tây đã thú nhận: “Ta có thể lừa một người trong mọi lúc. Ta cũng có thể lừa mọi người trong một lúc. Nhưng ta không thể lừa mọi người trong mọi lúc.” (You can fool some of the people all of the time, and all of the people some of the time, but you can not fool all of the people all of the time.- Abraham Lincoln)
Patriot Nguyen
No comments:
Post a Comment
your comment - ý kiến của bạn