Con người ta sinh ra để sống hay chuẩn bị để sống. Tôi có đọc câu hỏi này ở đâu đó không nhớ rõ. Và cũng không dưới một lần muốn trả lời câu hỏi đó. Nhiều người nghĩ rằng chúng ta sống lúc thiếu thời, đến khi làm người lớn thì ta mới chuyển sang chuẩn bị sống. Tôi thì nghi ngờ cả cái giai đoạn thiếu thời đó nữa.
Quả thực, chỉ những năm đầu đời, mới lọt lòng mẹ, chưa biết suy tư là quảng đời sống duy nhất của tất thảy chúng ta.
Đến khi lên hai lên ba, quá trình chuẩn bị điều kiện và kỹ năng sống bắt đầu với việc học ngôn ngữ, ứng xử... hoặc ở nhà hoặc tại nhà trẻ. Rất may, lúc này ta vừa học vừa chơi mà chơi là chủ yếu, nên cuộc sống vẫn tươi vui, mà mãi sau này nếu nhớ được ta vẫn hằng tiếc nuối (May là, đa số người chẳng nhớ gì để mà so sánh!).
Đùng một cái, mẹ tuyên bố từ nay ngừng chơi để chuẩn bị vào lớp một. Tại sao vào lớp một lại phải chuẩn bị? Mẹ muốn ta phải vào trường xịn nhất để có tương lai, mà muốn vào được, phải qua kỳ sát hạch từ hiểu biết về màu sắc, hình dạng, con số... có khi cả ngoại ngữ nữa. Ở đây cần phải nhấn mạnh rằng, công việc chuẩn bị là cực kỳ gian khó, khẩn trương vì để có một đại học tốt, phụ huynh có thể gởi con qua Anh, Nga, Mỹ, tức là có nhiều lựa chọn thay thế, nhưng với một trường tiểu học tốt gần nhà với đa số phụ huynh là lựa chọn duy nhất thế nên cạnh tranh thật là khốc liệt.
Nhẹ nhõm mấy ngày, khi nghe mẹ báo đã "trúng tuyển" vào tiểu học "trọng điểm", mà vốn thành quả của việc chuẩn bị tốt và cả "lobby" thầy cô, nhà trường của mẹ. Rồi thì, chuẩn bị kiểm tra học kỳ một, thi học kỳ hai, lên lớp hai, lớp ba, lớp bốn. Đến lớp năm, công tác chuẩn bị chính qui lần đầu tiên được triển trai và áp dụng. Phải bằng mọi giá vào cho được trường trung học cỏ sở tốt nhất. Lại tích cực chuẩn bị. Sau giờ học ở trường là luyện thi ở nhà. Nào toán, nào văn, nào tiếng Việt, nào ngoại ngữ. Vào được THCS rồi, công tác chuẩn bị được tiếp tục ngay để dọn đường vào THPT suôn sẽ. Lại lên lớp, lại học thêm, chúng ta di chuyển như con thoi giữa mấy địa điểm: nhà - trường - điểm học thêm 1, 2, 3 - quán ăn nhanh. Vô phúc cho những đứa rơi vào mấy gia đình "văn hóa lớn", ngoài những thứ mà tất thảy chúng ta phải còng lưng chuẩn bị, chúng nó còn phải gồng mình để bị tra tấn bởi các buổi học với thầy cô luyện đàn, luyện vẽ hay khiêu vũ, đẫu chúng chẳng tỏ ra thích thú hay có chút năng khiếu nào.
Chuẩn bị cho thi vào đại học có lẽ là kỳ công nhất và gian khổ nhất trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta lao từ "lò luyện này sang lò luyện khác" bất chấp khả năng "tẩu hỏa nhập ma." Thề rôi, ngay sau phút sung sướng toại nguyện được bước vào ngưỡng cửa đại học, là một quá trình chuẩn bị khác: thi hết môn, thi học kỳ, thi lại, đi thực tập, làm tiểu luận, viết luận văn, thi tốt nghiệp. Cơ man các thứ phải chuẩn bị.
Lúc ra trường, tưởng đâu đã công thành danh toại, nào ngờ chỉ mới chuẩn bị xong giai đoạn tiếp thu. Bây giờ mới tới giai đoạn "quyết liệt": chuẩn bị để sống mái với đời. Tìm một chỗ làm tốt là mối quan tâm hàng đầu. Sau đó thì sao? Chuẩn bị để thăng tiến, trau dồi chuyên môn, học tập nâng cao, chiến đấu cạnh tranh khốc liệt với đồng nghiệp để giành vị trí, quyền lực, bổng lộc. Toàn bộ điều đó diễn ra đồng thời với công tác chuẩn bị kết hôn (tất nhiên loại trừ những người không thèm kết hôn), chuẩn bị để làm dâu làm rể, chuẩn bị để có một cơ ngơi riêng, chuẩn bị để làm bố làm mẹ. Rồi lại chuẩn bị đưa con đến trường... Lập lại cái vòng lẩn quẩn xa xưa...
Rồi thì chuẩn bị cưới vợ gã chồng cho con cái, chuẩn bị để chăm sóc cháu con nội ngoại. Chuẩn bị về hưu, chuẩn bị cho tuổi già, chuẩn bị đối phó với ốm đau bệnh tật và cuối cùng chuẩn bị ...
Như vậy từ lúc lọt lòng đến khi từ giã cõi đời, chúng ta dành phần lớn thời gian để chuẩn bị cho cuộc sống, chứ không phải để sống thực sự và có ý nghĩa. Có rất nhiều ngày bạn lao đầu đến công sở, bạn hấp tấp, bạn vội vàng, bạn xem đồng hồ rồi lại xem lịch. Bạn không biết bầu trời hôm nay xanh hay xám. Bạn không biết đêm nay có trăng hay không? Thế rồi một buổi chiều nào đó, bạn quá mệt mỏi vì công việc bạn dừng chân dưới một hàng tre và nghe tiếng những con chim sâu đùa nhau trong là hay bạn lặng lẽ đi bên bờ biển vỗ bờ ngắm những con thuyền nhấp nhô xa xa, bạn lắng lòng mình lại và chợt hỏi: Trong đời, ta đã sống được mấy ngày mà không phải băn khoăn chuẩn bị cho một cái gì đó?
Thôi thì, "Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo."
No comments:
Post a Comment
your comment - ý kiến của bạn