MENU

BILINGUAL BLOG – BLOG SONG NGỮ ANH VIỆT SHARE KNOWLEGE AND IMPROVE LANGUAGE

--------------------------- TÌM KIẾM TRÊN BLOG NÀY BẰNG GOOGLE SEARCH ----------------------------

TXT-TO-SPEECH – PHẦN MỀM ĐỌC VĂN BẢN

Click phải, chọn open link in New tab, chọn ngôn ngữ trên giao diện mới, dán văn bản vào và Click SAY – văn bản sẽ được đọc với các thứ tiếng theo hai giọng nam và nữ (chọn male/female)

- HOME - VỀ TRANG ĐẦU

CONN'S CURENT THERAPY 2016 - ANH-VIỆT

150 ECG - 150 ĐTĐ - HAMPTON - 4th ED.

VISUAL DIAGNOSIS IN THE NEWBORN

Monday, December 9, 2013

LE ROI D’ANNAM VUA AN NAM

LE ROI D’ANNAM
VUA AN NAM

Le Monde
23 Fév. 1889
Le Monde
23/2/1889


Đây là một bài báo cũ trích từ tuần báo Le Monde Illustré [số 1665 ra ngày 23 tháng 2 năm 1889 tại Paris] nhan đề “Le Roi d’Annam” từ trang 118-120 do ký giả Jean Locquart tường thuật về việc người Pháp bắt giữ vua Hàm Nghi và đưa ông sang an trí ở Alger. Tài liệu tuy đơn giản nhưng có đính kèm một số hình ảnh hiếm quí, được vẽ lại và khắc bản vì thời đó sách báo chưa làm được bản kẽm theo lối hiện thời.


Người dịch: Nguyễn Duy Chính








Ông bộ trưởng bộ Hải Quân vừa nhận được tin mới nhất thông báo vua Đồng Khánh nước An Nam đã từ trần ở Huế ngày 27 tháng 1 [năm 1889] sau một cơn bạo bệnh.

Vua Đồng Khánh thọ 25 tuổi, lên kế vị em ông là vua Hàm Nghi ngày 19 tháng 9 năm 1885, người đã được quan phụ chính Thuyết [Tôn Thất] đưa đi khỏi kinh thành sau vụ tấn kích ở Huế ngày mồng 5 tháng 7 năm 1885. Vua Hàm Nghi sau đó bị truất vị đã phải sống một thời gian khó khăn và không chấp nhận những đề nghị thoả hiệp cho đến khi ông bị biệt đội của đại uý Boulangier bắt được. Cũng có tin là ông đã đến Alger và trú ngụ tại một biệt thự ở Mustapha, nơi ông nghe tin về cái chết đột ngột của người kế vị mình.
Tân vương [tức vua Đồng Khánh] được coi là rất thân với người Pháp và để lại một đứa con trai mới lên ba.
Bức điện tín báo tin vua An Nam băng hà cũng cho hay thái hậu mẹ cựu hoàng Hàm Nghi cũng đã chết tại Huế. Việc bắt giữ vua Hàm Nghi cũng đã dập tắt mọi vụ nổi dậy còn tồn tại ở Bắc Kỳ. Người ta nói rằng sau vụ binh biến tháng 7 năm 1885 chống lại thống tướng de Courcy, vua Hàm Nghi đã nhiều lần kêu gọi dân chúng tấn công nhiều lần khác nhau các địa điểm ở Huế và vùng phụ cận.
Nhờ mật báo và tài điều quân của đại uý Boulangier đột kích bắt giữ vua Hàm Nghi nên khu vực này ngày nay mới được trị an. Một buổi chiều binh đội của đại uý được tin là sau khi bị đội lính dõng thiện chiến truy kích liên tục, cựu hoàng lẩn trốn cùng với người tuỳ viên là Than-Tat-Thiep [Tôn Thất Thiệp], con trai cựu phụ chính Thuyết tại một làng hẻo lánh và kín đáo trong rừng núi cao nguyên Giai [?].
Binh đoàn của Boulangier liền bao vây nơi nhà vua ở và khi cửa chính bị đạp tung ra thì thấy Thiệp thì đã thức giấc vì tiếng động của vụ tấn công còn vua Hàm Nghi đang ngủ say ở bên cạnh. Cả hai người đều để gươm trần ở bên cạnh và trong tay có khí giới nhưng không chống trả được gì.
Thấy chủ soái thất thế, và để tránh cảnh tủi nhục khi bị bắt đem đi, Thiệp toan đâm chết ông [vua Hàm Nghi], nhưng vì quân Pháp dự tính bắt sống nên lập tức nổ súng hạ gục Thiệp. Sau đó họ chặt đầu Thiệp và đem bêu trên cọc tre ở ngoài chợ Dang-Kha là một nơi sầm uất và còn đang xao động.
Hàm Nghi, từ đó không chống cự gì nữa và theo đoàn quân đến một nơi chính quyền đã định chờ ngày đưa ông đi an trí. Việc này thể theo ý nguyện của vua Đồng Khánh mới qua đời là cựu hoàng phải ra khỏi nước, và Algérie là quốc gia có phong tục và khí hậu thích hợp nhất để tiếp nhận kẻ mới bị bắt.
Vua Hàm Nghi được đưa lên chiến hạm Biên Hoà, do thuyền trưởng Caillard chỉ huy, rời Hải Phòng ngày mồng 7 tháng 12 vừa qua và vào cảng Alger khoảng 3 giờ chiều ngày chủ nhật 13 tháng 1 [1889].
Cựu hoàng đòi cho người nhà của ông được đi theo bao gồm một thông ngôn, một quản gia và người đầu bếp. Hàm Nghi nay đã 19 tuổi có nước da vàng giống như những người đồng chủng khác với đôi mắt tuy hơi nhỏ nhưng sáng và lanh lợi đầy vẻ thông minh.
Lưỡng quyền ông hơi cao tương ứng với khuôn mặt trái soan khá thanh tú. Dáng người nhỏ nhắn còn non nớt và không có râu. Chúng tôi tặng ông một bức chân dung mà bức ảnh này đã rất khó khăn mới có được vì vua Hàm Nghi không chịu chụp hình theo lệnh của viên thống đốc.
Nhà vua mặc quần dài bằng vải trắng rộng quá khổ trông thấu đôi vớ bằng lụa màu. Ông đi dép bằng da và nhung, trang trí chữ vàng và thêu thùa tỉ mỉ. Khi ở nhà vua Hàm Nghi chỉ mặc áo cánh hay áo dài màu xanh dương, trông tương tự như y phục đàn bà.
Vua Hàm Nghi nay không còn ở khách sạn la Régence là nơi ông tạm trú khi vừa tới Algérie mà được đưa về ngôi biệt thự tráng lệ Pins tại Mustapha gần Alger. Biệt thự này sẽ là cư sở của ông cho đến mãn đời.
Trong nhà ông ở Giai người ta tìm thấy đủ loại giấy tờ trong đó có nhiều ghi chú quan trọng chỉ nơi chôn những của cải của ông trong kinh thành Huế.
Ông vua bị bắt không tiếp khách đến thăm và những gì chúng tôi biết được đều qua lòng hảo tâm của viên thông ngôn và vị quản gia. Chúng tôi kèm theo đây một bức hình trung thực của nhà vua và hình toà biệt thự Pins, nơi cư trú của vị hoàng đế nổi loạn bị lưu đày.










No comments:

Post a Comment

your comment - ý kiến của bạn